Sự kiện giáo dụcTin tức

Không để lãng phí tài năng của các thủ khoa

Tạp Chí Giáo Dục

Đây là chủ đề cuộc Hội thảo diễn ra chiều 15/11, tại Hà Nội, do Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chủ trì.
Sinh viên Nguyễn Hồng Ngọc, Thủ khoa Đại học Giáo dục chia sẻ kinh nghiệm học tập

Tham gia hội thảo có nhiều diễn giả là các nhà giáo, nhà khoa học, đại diện của nhiều tổ chức, doanh nghiệp cùng nhiều thủ khoa “đầu vào”, “đầu ra” và sinh viên nhiều trường đại học trên địa bàn Hà Nội.
Hội thảo khẳng định, hiện tượng “chảy máu chất xám” ở Việt Nam và lãng phí trong sử dụng nhân tài đang là vấn đề nóng, được cả xã hội quan tâm. Hiện tượng này dẫn tới việc các thủ khoa, các sinh viên giỏi không có “đất dụng võ”. Đây được coi là một tổn hại rất lớn đối với mỗi quốc gia.
Tại Hội thảo, các thủ khoa “đầu vào” và “đầu ra” của nhiều trường đại học danh tiếng hàng đầu Việt Nam đã chia sẻ những bí quyết học tập, những ước mơ, hoài bão của mình, đồng thời giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn những trăn trở, băn khoăn của họ khi ra trường.
Tham gia Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Oanh, Nguyên Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thủ khoa Việt Nam – nơi kết nối nguồn nhân lực giữa các thủ khoa với cơ quan đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các thủ khoa vươn lên lập thân, lập nghiệp, nhấn mạnh: “Hiền tài luôn là nguyên khí quốc gia. Riêng với sinh viên thủ khoa, mặc dù chưa thể khẳng định ngay là nhân tài, vì nhân tài cần nhìn nhận trên góc độ có cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, xét về phương diện rèn luyện, học tập, các thủ khoa xứng đáng được tôn vinh và cần tạo điều kiện, bồi dưỡng để các em phát huy khả năng. Đặc biệt, trọng dụng người tài không thể chỉ bằng lời nói mà phải gắn liền với đồng lương, chế độ tuyển dụng, đãi ngộ xứng đáng”.
GS, TS, NGƯT Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường Đại học Dân lập Hải Phòng chia sẻ nhiều trăn trở về việc sử dụng nhân tài ở nước ta, đồng thời nêu cách sử dụng nhân tài tại ĐHDL Hải Phòng: “Ở trường tôi, các sinh viên thủ khoa đầu vào và đầu ra đều đọc lời hứa trong lễ tuyên dương. Đó vừa là sự tôn vinh để khi học tập, các em nỗ lực cao hơn nữa, còn nếu ra trường thì phải phụng sự Tổ quốc, cống hiến cho xã hội cho xứng đáng với danh hiệu đã được tuyên dương. Bên cạnh đó, căn cứ vào mức điểm, trường có chế độ đãi ngộ riêng cho các thủ khoa như miễn học phí, tặng học bổng và bồi dưỡng kết nạp Đảng…”.
Sinh viên Nguyễn Hồng Ngọc, thủ khoa đầu vào Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Đỗ thủ khoa đã là nỗ lực của mỗi sinh viên chúng em, khi vào trường để học tập, chúng em cần các thầy cô quan tâm hơn nữa. Nhà trường cần tạo điều kiện để chúng em phát huy khả năng của mình và ham học hơn chứ không chỉ là một buổi lễ tôn vinh hay với những bằng khen”.  
Hội thảo đặc biệt bổ ích với các bạn cựu sinh viên vừa ra trường, những bạn đang là sinh viên thêm nhận thức về giá trị của nhân tài, trong đó có các thủ khoa, để ý thức rõ hơn về giá trị của bản thân để nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong học tập, làm việc, đặc biệt là định hướng nghề nghiệp tương lai.
Ngay tại Hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp đã cùng thảo luận về việc sử dụng nhân tài, đãi ngộ và bồi dưỡng nhân tài sao cho hợp lý. Những thông tin và chính sách tuyển dụng và trọng dụng nhân tài của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như Vietinbank, Tập đoàn dầu khí Việt Nam,… thực sự mang niềm vui, cơ hội cho các bạn sinh viên.
Tại hội thảo, 20 suất học bổng tiếng Anh trị giá 2 triệu đồng/suất của trung tâm Anh ngữ Bolton đã dành cho các bạn sinh viên và 50 suất học bổng tin học của Hệ thống đào tạo Lập trình viên Quốc tế Bách khoa – Aptech trị giá 250 USD/suất được trao cho các bạn thủ khoa.
Ông Nguyễn Tiến Bình, Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong muốn tạo cầu nối thiết thực giữa các sinh viên và đặc biệt là những thủ khoa của các trường ĐH, CĐ với các tổ chức, doanh nghiệp trên cả nước, góp phần đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội hoá giáo dục, bồi dưỡng nhân tài cho quốc gia”./.

Theo Xuân Thân
(VOV)

Bình luận (0)