Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Không để ngư dân bám biển phải vay nặng lãi

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi làm việc giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Nhiều vấn đề liên quan thiết thân đến lợi ích của người lao động đã được Thủ tướng chỉ đạo.

Hỗ trợ đầy đủ cho ngư dân

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, hiện nay nhiều chương trình hỗ trợ ngư dân đang được triển khai hiệu quả như “Tấm lưới nghĩa tình”, “Nghiệp đoàn nghề cá”… Riêng việc thí điểm hỗ trợ tàu cá trang bị thiết bị định vị vệ tinh, hiện đã có 38 tỉnh thành đã có đài thông tin bờ biển, hơn 2.300 tàu cá được lắp thiết bị định vị này. Với chính sách hỗ trợ này, người dân tự ứng tiền ra mua thiết bị định vị lắp đặt trên tàu, khi mang hóa đơn về thì được thanh toán. Bộ NN-PTNT phấn đấu 100% tàu cá sẽ được đảm bảo thông tin liên lạc trên biển trong thời gian tới vì hiện nay mới chỉ tập trung triển khai hỗ trợ với đối tượng tàu cá đánh bắt xa bờ.

Cần có chính sách giúp ngư dân đóng tàu lớn, tàu bằng sắt, công suất lớn thay cho tàu gỗ nhỏ. Ảnh: BẢO NGỌC

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng kiến nghị ngư dân cần một chính sách tín dụng đặc thù. Chỉ đạo về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, hàng ngày có hơn 1 triệu ngư dân Việt Nam làm việc trên biển. Đó là những công nhân, người lao động thực sự cần chăm lo, khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ tối đa với những chính sách cụ thể. Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT rà soát lại theo đúng tinh thần chỉ đạo trên để thúc đẩy việc phát triển kinh tế biển, góp phần giữ chủ quyền quốc gia. “Việc hỗ trợ ngư dân ra biển phải nhắm tới chính sách giúp người dân đóng tàu lớn, tàu bằng sắt, công suất lớn thay cho tàu gỗ nhỏ thì ngư dân mới có thể đi xa được” – Thủ tướng nhắc nhở.

Cũng theo Thủ tướng, tiến hành thăm dò ý kiến, nếu ngư dân thấy phù hợp, đồng tình thì cần triển khai làm thật mạnh mô hình tàu đánh bắt xa bờ do Vinashin đóng (công suất 600 mã lực, vỏ sắt, đạt hiệu quả hoạt động cao). Về vốn cho chương trình hỗ trợ ngư dân, Thủ tướng đã yêu cầu ngân hàng không được để ngư dân đi đánh bắt trên biển xa mà chịu lãi suất cao. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu có chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tất cả những người lao động đi biển. Tai nạn trên biển không thể lường trước được nên bảo hiểm tính mạng, thương tật rất quan trọng mà việc này chúng ta hoàn toàn làm được. Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh việc hỗ trợ trang bị thiết bị định vị cho tàu cá để người trong bờ biết tàu đang ở tọa độ nào, rất cần thiết cho việc tiếp ứng, cứu hộ.

Hỗ trợ xây nhà trẻ ở các khu công nghiệp

Một vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc này là thực trạng thiếu nhà trẻ, trường mầm non, đặc biệt ở các khu công nghiệp, nhất là ở các tỉnh phía Nam. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hồng nêu thực tế, nhiều lao động nữ không dám lấy chồng, cưới thì không dám sinh con, nếu sinh thì phải gửi về quê vì không có chỗ trông con. Đây là hệ lụy mà nếu không giải quyết thì 10 năm sau sẽ phát sinh hậu quả xã hội rất lớn. “Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở GD-ĐT phải phối hợp với các cấp chính quyền tăng cường chăm lo con em của công nhân, trong đó tăng cường vai trò xã hội hóa trong xây dựng trường mầm non”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu.

Kết luận vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, không thể không xã hội hóa việc xây dựng nhà trẻ, trường mầm non bởi ngân sách nhà nước không thể đảm đương nổi. Ngay cả những địa phương có nguồn lực như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai cũng không thể xây đủ nhà trẻ cho con em công nhân ở các khu công nghiệp. Vì vậy, với nhu cầu cao về gửi trẻ, cần ủng hộ các chủ đầu tư xây trường, xây lớp thông qua các chính sách về thuế, hỗ trợ đào tạo giáo viên, thiết bị dạy học. Để bảo đảm đủ trường lớp mầm non, cần dựa vào nguồn lực của dân, của xã hội, trong đó nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và quản lý để nguồn lực từ xã hội làm tốt hơn. Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT chủ trì, cùng với các bộ, ngành nghiên cứu ra chính sách phù hợp nhằm giải quyết nhu cầu ngày càng bức thiết cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp hiệu quả trong việc tập trung thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, cải thiện đời sống của người lao động và coi đây là một trọng tâm công tác nhằm cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống của người lao động. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến các việc làm thiết thực, gắn liền với đời sống của người lao động, như xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà trẻ, mẫu giáo ở các khu công nghiệp… Đồng thời, phối hợp trong rà soát cơ chế, chính sách, tạo các điều thuận lợi cho người lao động yên tâm lao động, sản xuất; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm cho người lao động.

LÂM NGUYÊN (SGGP)

Bình luận (0)