Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Không dễ săn lùng những ‘cái đầu’ giá trị

Tạp Chí Giáo Dục

Sức khỏe tài chính của các công ty sẽ khác đi, những rủi ro về nhân sự vốn luôn tiềm ẩn. Hiện nay, cơ hội để săn lùng những “cái đầu” giá trị ngày càng ít ỏi.
Đó là cảnh báo của các chuyên gia nhân sự về thị trường lao động, thời kỳ hậu khủng hoảng kinh tế.
Giữ chân người tài luôn là câu chuyện thú vị của thị trường lao động. Sự chuyển dịch lao động ngày càng nhộn nhịp, luôn làm đau đầu các doanh nghiệp. Bởi cầu tài đã khó nhưng giữ được người tài càng khó hơn. Ông Tom Yew Hoong, Phó tổng giám đốc của Tập đoàn Ernst & Young Việt Nam, cho rằng, thông thường, lãnh đạo các công ty vừa và nhỏ hay quan tâm đến thị trường, doanh số, tài chính… mà ít để ý nhân sự. Tuy nhiên, theo một khảo sát toàn cầu của công ty này, nhân sự là một trong ba vấn đề quan trọng hàng đầu, tác động lớn đến hoạt động của công ty và nằm trong nhóm 5 rủi ro khả năng xảy ra cao nhất.

Lãnh đạo giỏi là người biết cách làm cho nhân viên cảm thấy mình có giá trị. Ảnh minh họa: TNLinh.

Theo nghiên cứu này, “quản lý nhân tài và lập kế hoạch đội ngũ kế cận”, “đạo đức và sự gương mẫu ở lãnh đạo”, là những tác động chính, ảnh hưởng đến quyết định ra đi hay ở lại của người tài, sau đó mới đến tiền lương. Do vậy, các lãnh đạo cần tạo ra tiền đề, với nguyên tắc bất di bất dịch: nói phải làm.
Bà Karen Davies, Tổng giám đốc của XAGA Consultancy, cũng cho rằng, nhân sự cần có một thế đứng riêng biệt và vững chắc trong chiến lược kinh doanh. Một chiến lược nhân sự đúng sẽ giúp doanh nghiệp đạt được những mục tiêu đề ra. “Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các công ty vẫn chưa nhìn nhận và đầu tư đúng cho lĩnh vực nhân sự. Mà quan niệm, người lao động sẽ không tìm được việc mới tốt hơn công việc hiện tại là một sai lầm nghiêm trọng”, bà Karen Davies nhấn mạnh.
Ngoài ra, môi trường làm việc sáng tạo, thỏa mãn nhu cầu đóng góp của nhân viên, niềm tin vào tương lai của cá nhân gắn liền với sự phát triển của công ty, tính dân chủ, quyền tự quyết… cũng là những yếu tố quan trọng giữ chân người lao động có nặng lực.  
Ông Tăng Trị Trọng, Giám đốc kinh doanh toàn quốc Vietnamworks cho rằng, thông thường, mỗi nhân viên chỉ làm việc hết 50% năng suất của mình. Việc của nhà quản lý là phải biết khơi dậy 50% năng suất tiềm tàng còn lại, để có thể tạo ra những kết quả tối ưu. Lãnh đạo giỏi là người biết cách làm cho nhân viên cảm thấy mình có giá trị, có khả năng chiến thắng, và có sự gắn kết lâu bền với tổ chức.
Giám đốc nhân sự một khách sạn lớn tại TP HCM xác nhận, nơi anh làm việc chỉ trả lương với tỷ lệ 7/10 so với mặt bằng lương chung của ngành khách sạn. Tuy nhiên, các phúc lợi khác và môi trường làm việc thoải mái, coi trọng sự sáng tạo và giá trị cống hiến của nhân viên, đã giúp khách sạn này có được đội ngũ giỏi nghề ổn định hơn so với các đơn vị cùng ngành.
Khi gặp khó khăn tài chính, các công ty thường nghĩ đến việc cắt giảm chi phí tối đa, trong đó có giảm lương nhân viên. Tuy nhiên, cắt giảm chi phí bằng cách này không làm tăng hiệu quả trong dài hạn. “Có một tầm nhìn vĩ mô và tập trung đầu tư hiệu quả vào đó, mới chính là cách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn”, bà Karen Davies, khẳng định.

Hải Đường / Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)