Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Không dễ thành ngôi sao phòng vé

Tạp Chí Giáo Dục

Thời gian gần đây, sàn diễn cải lương, kịch nói khởi sắc, mang lại cho người làm nghề niềm tin rằng sân khấu sẽ hé lộ nhiều ngôi sao mới, đủ sức khuấy động phòng vé, nhưng thực tế không dễ

Những ngày gần đây, để hút khán giả, Nhà hát Thanh Niên tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP HCM, do ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đầu tư, đã có chủ trương giảm 50% giá vé cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên, học sinh…

Gian nan tìm ngôi sao mới

Ngoài giảm giá, hai vở diễn tại Nhà hát Thanh Niên là "Em em, chị chị" và "Bất ngờ chưa bà già" còn có các nghệ sĩ khá nổi tiếng là Võ Minh Lâm, Hồng Ánh, Ngọc Trinh, Hòa Hiệp, Quốc Thịnh… nhưng số lượng khán giả vẫn chưa như mong đợi.

Không dễ thành ngôi sao phòng vé - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Người đối diện lương tâm” của Nhà hát Trần Hữu Trang được dư luận đánh giá tốt về chất lượng nội dung. Ảnh: Thanh Hiệp

Lý do không khó để lý giải, đó là không ít khán giả đã quen với thương hiệu kịch IDECAF (đơn vị đầu tư Nhà hát Thanh Niên) chỉ đi xem khi vở diễn có Thành Lộc, Hữu Châu, Vũ Đình Toàn, Mỹ Duyên, Hoàng Trinh… Điều này nói lên một hiện tượng trong thực tế là sàn diễn thường sẽ bảo đảm doanh thu, tạo thương hiệu từ yếu tố ngôi sao, nếu thiếu họ sẽ rất chật vật trong khâu phát hành vé.

Sân khấu phía Nam đã có một thời huy hoàng với một thế hệ "vàng" như: Thành Lộc, Việt Anh, Hồng Vân, Hồng Đào, Kim Xuân, Hữu Châu, Hữu Nghĩa, Minh Nhí, Thanh Thủy, Quốc Thảo… Nhắc đến những diễn viên này, người yêu kịch nhớ ngay đến những vai diễn gắn liền với tên tuổi của họ. Tương tự ở sàn diễn cải lương, sau thế hệ đoạt HCV Thanh Tâm như: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Thanh Nguyệt, Ngọc Giàu, Bo Bo Hoàng, Phương Bình, Phượng Liên…; đã có sự tiếp nối của thế hệ HCV Trần Hữu Trang với: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Kim Tử Long, Thoại Mỹ, Vân Hà, Linh Tâm, Phượng Hằng… Tuy nhiên sau đó, điều đáng tiếc là các thế hệ trẻ sau này, dù cũng có đoạt nhiều giải thưởng nhưng vẫn chưa đủ sức trở thành ngôi sao phòng vé.

Theo những người trong cuộc, hiện nay, không khó để thực hiện công nghệ "tự lăng xê" – với những MV (video ca nhạc) phát trên kênh YouTube và các nền tảng mạng xã hội – nên đã dễ dàng cho ra những ngôi sao tự xưng; hay với những diễn viên vừa mới đoạt HCV, HCB, các giải thưởng từ liên hoan, hội diễn… qua hình thức tự quảng bá trên không gian mạng, đã nhầm lẫn nghĩ rằng mình đã nổi tiếng. Thực tế cho thấy một vài nhân tố mới có khả năng gây hiệu ứng ở phòng vé, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

NSND Trần Minh Ngọc khẳng định: "Một diễn viên để có thể trở thành ngôi sao đòi hỏi phải lao động nghệ thuật hết sức nghiêm túc. Một diễn viên ngôi sao phải gắn liền với tên nhân vật, tỏa sáng với hàng trăm suất diễn, biến vai diễn thành nhân vật để đời, đó mới là ngôi sao thực thụ".

Cần một giải pháp toàn diện

Theo những người trong cuộc, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm diễn viên ngôi sao là do các diễn viên trẻ "tham công, tiếc việc". Không ít diễn viên trẻ đã tất bật chạy show như làm phim truyền hình, tham gia game show, thậm chí là bán hàng online… nên không còn thời gian dành cho sàn tập, sàn diễn.

"Có diễn viên trẻ ở lĩnh vực cải lương chỉ muốn mau nổi tiếng, nhiều huy chương để có danh hiệu. Còn bên kịch thì muốn mượn đường đi tắt, nghĩa là nổi bên phim, bên game show rồi mới về với kịch. Đây là một suy nghĩ sai lầm, nếu không chuyên tâm với nghề thì làm sao có thể trở thành diễn viên ngôi sao?" – NSND Ngọc Giàu nói.

Các nhà chuyên môn cho rằng cần có một giải pháp toàn diện để tạo ra diễn viên ngôi sao, ngoài ý thức làm nghề tới nơi tới chốn của bản thân diễn viên thì vẫn cần phải có sự hậu thuẫn của đội ngũ tác giả, đạo diễn đủ sức tạo nên những vở diễn hay, kéo khán giả đến với sân khấu kịch, cải lương. NSND Kim Cương dẫn chứng cây bút tài hoa Lưu Quang Vũ đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng cho sân khấu và sau khi ông qua đời, trong hơn 20 năm qua, sân khấu cả nước chưa có tác giả nào làm nên xu thế sáng tác nổi bật.

"Các thế hệ diễn viên nổi tiếng trên cả nước như Lê Khanh, Chí Trung, Anh Tú, Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Thủy, Ái Như, Thành Hội, Hữu Châu, Quốc Thảo… hiện đã qua thời tuổi trẻ. Thế hệ kế thừa vẫn chưa có người thay thế xứng tầm. Xu hướng hiện nay đã hình thành nhiều diễn viên hài, để tìm được một đào thương, kép đẹp đủ chuẩn thật là quá khó" – NSND Kim Cương trăn trở.

Ở góc độ sáng tác, soạn giả Hoàng Song Việt cho hay Sân khấu Cải lương mới Đại Việt rất chú trọng khâu kịch bản và dành đất diễn cho lực lượng trẻ. Trong năm 2023, sân khấu cải lương này sẽ đầu tư những kịch bản chất lượng và đào tạo tới nơi tới chốn cho thế hệ trẻ, đặt mục tiêu sẽ có những diễn viên ngôi sao trong tương lai.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, việc đầu tư phải đồng bộ, không thể xem nhẹ diễn viên hoặc xem trọng tác giả, đạo diễn. Muốn có một đội ngũ mạnh thì phải có chiến lược cụ thể.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Bình luận (0)