Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không để thí sinh phải bỏ thi vì khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt kỳ thi và tuyển sinh) năm 2021; trong đó, nhấn mạnh việc không để thí sinh nào phải bỏ thi vì khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.


Thí sinh TP.HCM thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Theo Chỉ thị, để kỳ thi và tuyển sinh năm 2021 được triển khai an toàn, nghiêm túc, khách quan, chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt UBND cấp tỉnh) tập trung thực hiện nhiều công việc trọng tâm.

Trong đó, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi; trực tiếp thực hiện các khâu: Ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn, triển khai kế hoạch tổ chức kỳ thi và tuyển sinh ĐH; chịu trách nhiệm về đề thi; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các quy định, thông tin cần thiết về kỳ thi và tuyển sinh. Đồng thời, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi thống nhất toàn quốc và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, đảm bảo an toàn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra.

UBND cấp tỉnh, trực tiếp là chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi trên địa bàn, đảm bảo an toàn, nghiêm túc, chất lượng; bao gồm: Tổ chức đăng ký dự thi, in sao đề thi, coi thi, chấm thi, thanh tra, kiểm tra, công bố kết quả thi và phúc khảo bài thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị để tổ chức kỳ thi tại địa phương; bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để tổ chức kỳ thi; bảo đảm các quy định phòng dịch, vệ sinh, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự. Tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, ăn nghỉ cho thí sinh và người thân ở tất cả các điểm tổ chức thi; vận động, hỗ trợ các thí sinh là con em hộ nghèo, vùng sâu vùng xa, thí sinh khuyết tật hoặc cư trú tại những vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham dự kỳ thi; không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại.

Bên cạnh đó, tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ thi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Thanh tra Chính phủ; bảo đảm tuyệt đối an toàn, trung thực, không để xảy ra sai sót, tiêu cực, vi phạm quy chế.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi…

Thanh tra Chính phủ chỉ đạo Thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cử người tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh và các đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi của địa phương.

Còn các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp công bố công khai đề án, phương thức tuyển sinh trước khi thí sinh đăng ký dự thi; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tuyển sinh đảm bảo công bằng, minh bạch; điều động phân công cán bộ, giảng viên tham gia công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi tại các địa phương theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT…

Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)