Để sinh viên bậc CĐ nghề được liên thông lên ĐH, theo thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH ký kết vào cuối năm ngoái, không phải là chuyện dễ dàng.
SV trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành – Ảnh: Mỹ Quyên
|
Tìm đối tác xa
Trên thực tế, vì thông tư còn khá mới mẻ nên không phải trường ĐH nào cũng nghĩ đến việc tuyển sinh hệ đào tạo này. Tại TP.HCM, trường ĐH Bách khoa – một trường có nhiều ngành kỹ thuật tương ứng với hệ thống ngành của các trường nghề, hiện “không có chủ trương đào tạo liên thông từ đối tượng học nghề, vì chúng tôi có quá nhiều việc phải làm” – TS Nguyễn Thanh Nam, Trưởng phòng Đào tạo nói.
Vì đối tác gần khó kiếm, nên các trường đành phải tìm xa. TS Nguyễn Trần Nghĩa – Hiệu trưởng trường CĐ Nghề TP.HCM, cho biết: “Có lẽ các trường rất ngại mở hệ đào tạo này vì phải xây dựng chương trình chuyển đổi khá mất thời gian do chương trình khung của đào tạo nghề khác với bên chuyên nghiệp. Chưa kể thêm nhiều thủ tục khác nữa. Chúng tôi đã tìm đến trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Bách khoa Đà Nẵng để liên kết đào tạo liên thông, hiện đang tuyển sinh khóa đầu tiên”. Như vậy, giáo viên của các trường trên phải di chuyển từ Hà Nội hoặc Đà Nẵng vào TP.HCM để dạy, đồng nghĩa với việc chi phí sẽ tốn kém hơn.
Trong khi đó, trường CĐ nghề số 8 (Đồng Nai) lại tìm đến trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh để liên kết đào tạo liên thông.
Nhu cầu chưa nhiều
Ông Trần Tấn Dũng – Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, nhận định: “Bậc CĐ nghề vừa mới tốt nghiệp khóa đầu tiên, nên số lượng cũng chưa nhiều. Như ở trường tôi, có chưa tới 1.000 em tốt nghiệp. Trong đó có ngành chỉ khoảng vài chục em. Nhiều em trong quá trình đi thực tập đã xin được việc làm. Thường các em đã chọn học nghề thì hầu hết đều muốn ra trường đi làm kiếm tiền ngay, nên tôi nghĩ nhu cầu học tiếp ngay sau khi tốt nghiệp cũng không phải quá nhiều. Các trường ĐH muốn mở hệ đào tạo này còn phải nhìn vào nhu cầu của người học, chứ không thể mở ra mà tuyển sinh không đủ lớp”.
Chính vì thế, trong quá trình đi tìm trường để liên thông, các trường nghề phải cam kết về nguồn tuyển. Thạc sĩ Phan Bửu Toàn – Phó hiệu trưởng trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, chia sẻ: “Nếu không có khả năng đảm bảo số lượng đầu vào thì phía các trường ĐH cũng sẽ từ chối. Hiện chúng tôi và trường ĐH Sài Gòn đang trong quá trình làm việc để xây dựng chương trình chuyển đổi cho sinh viên ngành Du lịch”.
TS Nguyễn Trần Nghĩa cho biết: "Hiện mới có khoảng hơn 40 trong số gần 300 sinh viên khóa đầu đăng ký chương trình liên thông”. Một sinh viên ngành Điện công nghiệp trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ TP.HCM nói: “Em muốn tốt nghiệp xong đi làm một thời gian để kiếm tiền đã. Bạn bè em cũng nhiều người tính vậy”.
Với thực tế này, TS Nghĩa cho rằng, việc liên thông từ CĐ nghề lên ĐH được thực hiện thực chất là để giải tỏa tâm lý cho học sinh và phụ huynh, để thấy được việc học là suốt đời, chứ trên thực tế thì nhu cầu cũng chưa phải là nhiều. Tuy nhiên, về lâu dài, thì đây là cánh cửa rộng có lợi cho sinh viên đồng thời giúp cho việc tuyển sinh của các trường nghề sáng sủa hơn.
Mỹ Quyên / TNO
Bình luận (0)