Ngày 29-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5. Việc đấu tranh để yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam, các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương… tiếp tục là những nội dung được Chính phủ thảo luận.
Được sự hỗ trợ của các ban ngành, nhiều ngư dân miền Trung đóng tàu lớn để đánh bắt xa bờ. Ảnh: Tàu cá ĐNa 90603, có công suất 1.150 CV, được hạ thủy ngày 24-5. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình
Về vấn đề nóng nhất trong tháng 5 là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, một lần nữa nhấn mạnh, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng chủ quyền trên biển của Việt Nam; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982; vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); trái với thỏa thuận cấp cao giữa hai Đảng, Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc. Những hành động của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam trong gần 1 tháng qua là cực kỳ nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.
Về các biện pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của mình bằng biện pháp hòa bình”. Các biện pháp bao gồm: sử dụng các lực lượng thực thi pháp luật trên thực địa để bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam; đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển Việt Nam… Thủ tướng cũng cho biết: “Nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định việc sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.
Trả lời thêm về việc Việt Nam có tính đến các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế hay chưa và công tác chuẩn bị hồ sơ nếu khởi kiện ra sao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, hồ sơ cho việc thực hiện các biện pháp pháp lý đã được Việt Nam chuẩn bị từ lâu. Nhưng biện pháp này thực hiện thế nào, thời điểm nào thì phải cân nhắc hết sức kỹ càng.
Về việc nhiều người bị kích động đập phá tài sản của doanh nghiệp vừa qua, các cơ quan chức năng đã thanh lọc, xử lý hành chính, cảnh cáo, răn đe, nhiều tên bất hảo có tiền án tiền sự đã bị khởi tố hình sự. Việc kiên quyết xử lý của Việt Nam thời gian qua đã lấy lại niềm tin cho doanh nghiệp và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Thực hiện chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đề ra
Thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, kinh tế – xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, đúng hướng, đạt kết quả khá toàn diện. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đối mặt với nhiều thách thức, nhất là tổng cầu, dư nợ tín dụng tăng chậm, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục tinh thần quyết liệt, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, trong đó có tác động do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. “Không để những khó khăn, thách thức này ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2014” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu.
Về các nhiệm vụ cụ thể trong tháng 6 và những tháng tiếp theo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các ngành, các cấp phát huy kết quả đạt được, ra sức khắc phục hạn chế, yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng tổng cầu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, tập trung vào đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, huy động mọi nguồn lực và khuyến khích đầu tư xã hội; xử lý nợ xấu và khơi thông, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh; mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu; tăng cường quản lý giá cả, thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; kiểm soát tốt các thị trường vàng, ngoại tệ, chứng khoán…
Trước những lo ngại về ảnh hưởng xuất khẩu sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường. Cũng theo ông Hải, không phải lúc này chúng ta mới nghĩ cần có biện pháp tránh phụ thuộc vào một thị trường mà từ lâu đã giúp doanh nghiệp trong nước nhập nguyên liệu sản xuất; tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, không chỉ ở các thị trường như Hoa Kỳ, ASEAN, EU… mà còn cả châu Phi, Trung Đông, Nga. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Xung quanh chính sách hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ, Chính phủ sẽ ban hành chính sách với tinh thần là cho vay ưu đãi để phát triển tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu sắt đảm bảo tàu đi được xa an toàn có hiệu quả. Cụ thể, lãi suất sẽ khoảng 3% năm trong 10 năm và 1 năm ân hạn. Người đi vay có thế chấp thân tàu, khi có rủi ro Nhà nước sẽ có chính sách đặc biệt nếu thiệt hại do khách quan để người dân không bị thiệt nhằm tiếp tục ra khơi đánh bắt cá, bảo vệ biển đảo.
Trước ý kiến về việc có 5 sản phẩm sữa bị doanh nghiệp lách bằng nhiều cách để đưa ra khỏi danh mục 25 sản phẩm thực hiện bình ổn giá, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết, bộ này đã phát hiện ra và mời các doanh nghiệp lên yêu cầu phải tuân thủ. Nếu doanh nghiệp vẫn cố tình vi phạm, Bộ Tài chính sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
HÀ MY (SGGP)
Bình luận (0)