“Cần tập trung triển khai đầy đủ, hiệu quả quy định của Trung ương, đặt vấn đề phòng ngừa tham nhũng là chính, không để vi phạm rồi mới xử lý”, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng – nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh phát biểu tại hội nghị
Trong 10 năm qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng đã thực hiện được 311 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) tại 541 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua đó phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 9 vụ (đã khởi tố 6 vụ, 3 vụ không khởi tố); xử lý hành vi tham nhũng 2 vụ/5 người.
Tổng số vụ án, bị can thụ lý, điều tra về tội phạm tham nhũng từ năm 2010-2020 là 16 vụ/41 bị can. Trong đó, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 13 vụ/38 bị can, tạm đình chỉ 3 vụ/2 bị can và đình chỉ điều tra 1 bị can; thu hồi tài sản tham nhũng hơn 19,7 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Ân – Phó Chánh thanh tra TP.Đà Nẵng – cho biết: Từ khi Luật PCTN được ban hành, công tác PCTN của Đà Nẵng đã có những chuyển biến về nhận thức và hành động, đạt được những kết quả tích cực trên cả hai mặt phòng và chống. Đặc biệt, Đà Nẵng đã ban hành và công khai các bộ thủ tục hành chính về đất đai trên cơ sở dữ liệu nền trung tâm hành chính TP, ban hành quy chế phối hợp rõ ràng xử lý công việc nhằm tiết kiệm thời gian. 100% hồ sơ trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được thực hiện liên thông điện tử. Từ ngày 5-8-2020, Đà Nẵng đã tiến hành đưa vào thí điểm thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3 đối với 37 thủ tục về đất đai.
Đà Nẵng cũng đã nỗ lực minh bạch trong công tác đấu thầu. Từ 2 gói thầu trên 15 đơn vị, năm 2017 đã triển khai thành công 85 gói thầu qua mạng, dẫn đầu cả nước. Việc mua sắm tài sản Nhà nước được thực hiện theo phương thức tập trung với 100% gói thầu mua sắm tài sản và trang thiết bị y tế; thực hiện phân cấp mua sắm tài sản theo phương thức tập trung, khắc phục những bất cập vốn có.
Từ năm 2015, hàng năm, UBND TP.Đà Nẵng đều tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Trách nhiệm giải trình của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã được phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao dân chủ, chống tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ.
Tuy nhiên, theo Đại tá Trần Mưu – Phó Giám đốc Công an Đà Nẵng – thì, hoạt động trao đổi, chuyển, bàn giao thông tin, tài liệu về tham nhũng từ cơ quan thanh tra, kiểm toán còn chậm trễ. Khi tiếp cận kết luận thanh tra, kiểm toán thì những sai phạm, vi phạm đã được khắc phục xong, gây rất nhiều trở ngại cho cơ quan điều tra trong quá trình thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm cũng như công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Vì vậy, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện các hành vi vi phạm. Trong quá trình kiểm tra nên có sự tham dự của Công an TP để cùng các thành viên trong đoàn xác định lỗi vi phạm, tiến hành điều tra kết luận, giúp rút ngắn hồ sơ xử lý các vụ việc nếu có.
Để thực hiện Luật PCTN có hiệu quả, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho rằng: “Cần phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu chính quyền, cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đặt lợi ích chung, lợi ích của nhân dân lên trên để xử lý công việc khách quan hơn, chống lợi ích nhóm. Sắp tới đây, khi Đà Nẵng triển khai mô hình chính quyền đô thị; vai trò, trách nhiệm của chủ tịch cấp quận, phường rất lớn, nếu người đứng đầu có tư tưởng tham nhũng thì bộ máy sẽ kéo theo”.
Cũng theo ông Chinh, khi phát hiện các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì chủ động yêu cầu các cơ quan liên quan tham gia xử lý. Ngoài ra, cần phát hiện sớm, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; ngăn chặn có hiệu quả hành vi “tham nhũng vặt”; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng; Các cơ quan, ban, ngành phải kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN…
Phan Yên
Bình luận (0)