Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề xuất ngành giáo dục hướng đến việc dạy học, thi cử, đào tạo và bồi dưỡng với phương châm “học thật, thi thật, nhân tài thật”…
Giáo viên và học sinh trao đổi trong một tiết học (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Đây là chỉ đạo nóng hổi thời sự, bởi lẽ chuyện “học thật, thi thật, nhân tài thật” chưa bao giờ là chuyện cũ và rất cần kíp của ngành giáo dục, khi mà đâu đó vẫn còn tồn tại vô số tiêu cực, là rào cản cho sự đổi mới. Một trong số đó có sự bất cập của việc kiểm tra, đánh giá ở nhà trường phổ thông hiện nay. Những năm qua ngành giáo dục đã đổi mới rất nhiều về cách thức kiểm tra, đánh giá theo hướng tích cực, nhằm chú trọng đến việc phát huy kỹ năng, sáng tạo của người học. Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhà trường thực hiện cách đánh giá mới, chẳng hạn như Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi quy chế đánh giá xếp loại học sinh trung học. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, sự nỗ lực này có phần mâu thuẫn với chính bản thân của Bộ GD-ĐT, hoặc “pháp lệnh” của Bộ GD-ĐT nhiều khi chưa được các trường học quán triệt nên rơi vào tình cảnh “phép vua thua lệ làng”. Trong đó có những bất cập sau đây trong việc kiểm tra, đánh giá người học.
Bất cập có tên “thi gì thì… học nấy”
Việc thay đổi thi cử liên tục hàng năm cho thấy rằng nền giáo dục của ta quá nặng nề về kiểm tra, đánh giá. Vì vậy mà đã có ý kiến nói vui và rất đúng rằng Bộ GD-ĐT là “Bộ… thi”. Có mâu thuẫn không khi chính Bộ GD-ĐT chủ trương thay đổi, linh hoạt, sáng tạo thì hiện tượng đề thi đóng khung theo mẫu, theo một cấu tạo cứng nhắc hằng năm đã dẫn đến việc dạy, học và thi cử bị đóng khung, thiếu sự linh hoạt và sáng tạo. Đó là việc hàng năm Bộ GD-ĐT đều công bố đề thi tham khảo cho học sinh lớp 12 và các trường cứ theo đó mà học ôn thi. Đây là động thái xuất phát từ lợi ích của học sinh. Tuy nhiên, hậu quả của nó là không nhỏ. Vì đã tạo ra tâm lý trông chờ, phụ thuộc. Giáo viên và học sinh thiếu sự chủ động, linh hoạt trong dạy học và ôn tập. Rồi các trang mạng cũng tràn lan các đề thi minh họa theo mẫu, học sinh cứ thế mà máy móc luyện đề như luyện “gà chọi” để vào các “sới đấu”. Tệ hại hơn, các khối lớp 10 và 11 cũng “ăn theo”, vì nhà trường chủ trương rằng cho các em làm quen với “mẫu” đề càng sớm càng tốt, sẽ giúp ích khi lên lớp 12. Chứ đâu thấy được rằng, thế là suốt 3 năm THPT, học sinh phát “ngán”, mất hết cả hứng thú, vì năm nào cũng thi theo một mẫu đề. Giáo viên nào muốn mạo hiểm đổi mới đề thi, đều bị nhà trường và tổ bộ môn “bắt lỗi”. Hệ lụy nữa là nhiều kiến thức rất bổ ích trong chương trình đã bị cắt xén, việc học hướng đến đáp ứng mục đích thi cử chứ không phải rèn luyện kỹ năng sống. Đây là bất cập có tên “thi gì thì học nấy”!
Hệ lụy từ thực trạng “học gì thì… thi nấy”
Hiện trạng “học gì thì thi nấy” luôn là rào cản rất lớn cho việc “học thật, thi thật”. Nhìn vào đề thi của bất cứ bậc học nào hiện nay, chúng ta đều thấy đề thi chỉ giới hạn kiến thức bài học trong chương trình. Kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ, cuối kỳ, bài gì, câu gì đều được giáo viên thông báo trước cho học sinh. Thậm chí, nhiều câu hỏi trong đề giống y chang các bài luyện tập đã học, chỉ thay số liệu. Các môn xã hội thì có đề cương do giáo viên soạn sẵn từng câu hỏi và câu trả lời, đề và bài làm mẫu. Hệ lụy là học sinh cứ học thuộc tài liệu là có điểm cao. Lối học “vẹt”, nạn giáo viên khảo thuộc bài môn văn, tình trạng bài văn mẫu tràn lan hiện nay là xuất phát từ đây. Nó không chỉ làm thui chột sự sáng tạo của người học, mà còn là “cái bẫy” làm cho các em vi phạm nội quy kiểm tra. Mới đây, nói về việc đổi mới ra đề thi môn ngữ văn, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên Chương trình phổ thông mới môn ngữ văn) có lý khi cho rằng: Đề thi môn ngữ văn nên cho những tác phẩm ngoài chương trình học. Theo chúng tôi đây là ý kiến rất đúng. Điều này đem đến sự chủ động, sáng tạo cho học sinh trong quá trình học tập và thi cử, tránh được những hệ lụy nói trên.
Giáo viên không dám đổi mới vì cách đánh giá ở nhà trường
Mới đây, giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường THPT chia sẻ với chúng tôi, rằng trường cô quá coi trọng hiệu suất giảng dạy để đánh giá giáo viên, khiến cô bị thiệt thòi: “Ban giám hiệu không chịu nhìn vào lực học không đồng đều giữa các lớp, mà lớp tôi dạy thì toàn học sinh yếu kém so với các lớp của giáo viên khác”. Việc không đánh giá giáo viên qua kết quả học tập của học sinh đã được Bộ GD-ĐT quán triệt mới đây với các địa phương, nhưng thực tế hiện nay ở trường phổ thông là “trên bảo mà dưới… chưa thông”, nên đã gây khó cho giáo viên. Chính cách đánh giá giáo viên bằng kết quả bài làm của học sinh như trên làm rào cản cho sự phát triển. Giáo viên không dám mạnh dạn đổi mới cách dạy, cách ra đề kiểm tra. Để an toàn, họ chọn cách dạy học vì điểm số hơn là chú trọng rèn luyện kỹ năng cho các em học sinh.
Trần Nhân Trung
Bình luận (0)