Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là những việc cấp thiết, được định hướng trong các chính sách về giáo dục. Thế nhưng những đổi mới trong cách tổ chức thi cử trong 3 năm trở lại đây chưa hiệu quả, chưa mang lại niềm tin cho đại bộ phận phụ huynh và người dân trong xã hội.
Thí sinh xem lại đề trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Y.Hoa
Những vụ bê bối gian lận sửa điểm thi ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình… với sự tiếp tay và trực tiếp tham gia của các cán bộ chủ chốt là trưởng, phó các phòng ban, trong đó có cả các vị là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT đang đặt ra câu hỏi: “Phải chăng những sự thay đổi trong cách tổ chức thi cử đang tạo ra nhiều lỗ hổng đến “con voi cũng chui lọt?””, “Có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay?”.
Ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) cho biết: “Nói kỳ thi 2 trong 1 là chưa trọn nghĩa, chưa đầy đủ sứ mệnh về kỳ thi THPT quốc gia. Tôi khẳng định kỳ thi THPT quốc gia được xây dựng dựa trên cơ sở của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 44 của Chính phủ. Tôi vẫn phải nhắc lại Nghị quyết 29 nói đổi mới hình thức thi xét tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực, giảm tốn kém nhưng đảm bảo độ trung thực, đánh giá đúng năng lực của học sinh, lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT đồng thời làm cơ sở để tuyển sinh ĐH và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp”.
Ông Trinh cũng cho biết, tại sao việc xét tốt nghiệp THPT lại sử dụng cả phần điểm học bạ. Nghị quyết 29 cũng nêu rõ kết hợp đánh giá trong quá trình và kết hợp với đánh giá cuối kỳ để xét tốt nghiệp. Để đánh giá được kết quả của học sinh là một quá trình liên tục từ lúc xuất phát cho đến khi về đích và việc sử dụng điểm học bạ kết hợp với thi sẽ đưa đến một kết quả chính xác, công bằng cho việc xét tốt nghiệp THPT.
Việc xét tốt nghiệp 50% dựa vào điểm thi THPT quốc gia và 50% dựa vào học bạ THPT như các năm trước đó thì năm nay cách tính điểm sẽ là 70% dựa vào điểm thi THPT quốc gia và 30% dựa vào học bạ THPT, được nhiều chuyên gia dự đoán tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có nhiều biến động, và cũng đang đặt ra nhiều áp lực cho thí sinh. Có ý kiến cho rằng điểm học bạ được xem là “phao cứu sinh” của không ít thí sinh, là lỗ hổng rất lớn khi các trường phổ thông đua nhau “bơm điểm” để vớt vát điểm bài thi của học sinh. Tôi lại cho rằng việc dựa vào điểm học bạ để xét tốt nghiệp cho thấy Bộ GD-ĐT đang đặt niềm tin vào ngành giáo dục tại các địa phương, hướng đến lấy hoàn toàn kết quả điểm học bạ làm cơ sở để xét tốt nghiệp, giao về cho các địa phương tự tổ chức đánh giá công nhận tốt nghiệp.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Bộ GD-ĐT tổ chức, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề xuất những cơ chế đặc thù trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, cho phép Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm với UBND TP tổ chức xét công nhận tốt nghiệp THPT. Nhà trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh. Sở GD-ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp. Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.
Giao địa phương xét tốt nghiệp THPT là xu hướng tất yếu, phân cấp về cho địa phương, thậm chí lâu dài phân cấp cho chính trường phổ thông chủ động đánh giá, thi và xét công nhận tốt nghiệp. Việc giao tự chủ cũng đồng nghĩa các địa phương phải chịu trách nhiệm cao hơn. Nếu để xảy ra chuyện gì bất thường ở kỳ thi thì lãnh đạo địa phương hoàn toàn chịu trách nhiệm, bên cạnh cơ chế giám sát chặt chẽ từ phía chính quyền địa phương và sự thẩm định chất lượng từ phía Bộ GD-ĐT.
Tôi ủng hộ việc xét công nhận tốt nghiệp thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp, nhưng cần có lộ trình phù hợp để thực hiện việc phân cấp này khi chúng ta vẫn đang tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trên quy mô toàn quốc.
Lâm Vũ Công Chính
(Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)
Bình luận (0)