- 1 Không đủ năng lực có thể chọn ngành học liên quan
Hiện có nhiều ngành học liên quan với nhau; nếu học sinh thích học ngành này nhưng không đủ điểm để xét tuyển có thể chọn ngành liên quan, hoặc chọn phân hiệu của trường để tăng khả năng trúng tuyển.

Đó là chia sẻ của chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 17 năm học 2024-2025 diễn ra tại Trường THPT Marie Curie (Q.3) mới đây. Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam (Bộ GD-ĐT), Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của nhiều trường ĐH, CĐ.
Cần lựa chọn thông minh
Mở đầu chương trình, em Quang Tiến (học lớp 12A1) đặt câu hỏi: “Em có định hướng chọn học ngành sư phạm toán hoặc sư phạm vật lý, nhưng sợ không đủ điểm trúng tuyển. Vậy em phải làm thế nào để có thể theo học một trong hai ngành này?”. TS. Huỳnh Trung Phong (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, điểm xét tuyển vào các ngành sư phạm khá cao. Muốn học những ngành này, học sinh phải chuẩn bị kiến thức và có năng lực phù hợp, đặc biệt phải học giỏi môn toán, vật lý hoặc khối tự nhiên. Ngoài phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, học sinh muốn xét tuyển vào nhóm ngành sư phạm còn có thể dùng kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để tăng cơ hội trúng tuyển. Những học sinh muốn vào ngành sư phạm toán hoặc vật lý nhưng sợ không đủ điểm để vào thì các em có thể chọn những ngành học liên quan hoặc chọn học tại phân hiệu của trường ĐH có đào tạo ngành mình muốn học để xét tuyển. Bởi lựa chọn này thường có điểm chuẩn thấp hơn, tăng cơ hội trúng tuyển cho các em”, TS. Huỳnh Trung Phong chia sẻ.
Tương tự, em Gia Hân (học lớp 12K2) hỏi: “Em muốn học ngành thú y nhưng không biết phương thức xét tuyển của ngành này như thế nào?”. ThS. Võ Ngọc Nhơn (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho hay, năm nay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM tuyển sinh 61 ngành. Đối với ngành thú y có 6 tổ hợp xét tuyển ở phương thức: dựa vào điểm tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực và học bạ. Học sinh theo học ngành thú y phải có kiến thức môn sinh học, hóa học, vì trong quá trình học các em sẽ phải thực hành những kiến thức này. “Thời gian học ngành thú y từ 4-5 năm, học phí cố định, ra trường trở thành bác sĩ thú y. Với tấm bằng này, người học có thể làm việc tại các cơ quan Nhà nước, các trạm thú y hay viện nghiên cứu. Ngoài ra, người học cũng có thể làm việc tại các phòng mạch, bệnh viện thú y, hoặc phòng xét nghiệm thú y. Nếu có đủ điều kiện, kinh nghiệm và năng lực, các em có thể tự mở phòng khám hoặc bệnh viện thú y riêng cho mình”, ThS. Võ Ngọc Nhơn cho biết.
Tận dụng mọi cơ hội xét tuyển
Tư vấn cho học sinh về phương thức xét tuyển đối với ngành quan hệ công chúng, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà (Trưởng khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) thông tin, học sinh chọn học ngành quan hệ công chúng có thể xét tuyển bằng cách dựa vào điểm tốt nghiệp THPT, học bạ hoặc kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM. Để tăng cơ hội trúng tuyển, học sinh có thể lựa chọn nhiều phương thức thay vì một phương thức. Dù chọn phương thức nào thì khi trúng tuyển các em đều được học như nhau, không có sự phân biệt đối xử. “Ngành quan hệ công chúng đang rất cần nhu cầu nhân lực. Sinh viên học ngành này nếu giỏi chuyên môn, kiến thức, kỹ năng có thể làm việc trong doanh nghiệp nước ngoài, nhiều cơ hội thăng tiến”, PGS.TS Hoàng Thị Hồng Hà cho biết.

Trong chương trình, một học sinh lớp 12 hỏi: “Em muốn sử dụng kết quả kỳ thi V-SAT để xét tuyển, không biết có trường nào dùng phương thức tuyển sinh này?”. ThS. Bùi Thị Hoài (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết, năm 2025, Trường ĐH Luật TP.HCM có dùng phương thức này để tuyển sinh. Theo đó, trường sẽ tự chủ trong việc sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh ĐH theo quy định của Bộ GD-ĐT. Đối với kỳ thi V-SAT, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12 (90% kiến thức thuộc chương trình lớp 12; 10% kiến thức thuộc chương trình lớp 10 và lớp 11). Ngoài phương thức này, trường còn xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, dựa theo chứng chỉ ngoại ngữ. “Năm nay, bên cạnh những ngành truyền thống, Trường ĐH Luật TP.HCM còn mở thêm 2 ngành mới đó là ngành tài chính ngân hàng và kinh doanh quốc tế, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên 7 ngành”, ThS. Bùi Thị Hoài cho biết.
TS.Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) lưu ý, khi đăng ký xét tuyển vào ĐH, học sinh nên đăng ký nhiều nguyện vọng, nhiều phương thức. Và khi đăng ký xong, học sinh không nên để lộ tài khoản, vì mọi năm có học sinh để lộ tài khoản dẫn đến bị thay đổi nguyện vọng, phương thức. Khi trúng tuyển học sinh này mới ngỡ ngàng vì mình đăng ký ngành này, trường này nhưng trúng tuyển lại là ngành khác, trường khác. Tốt nhất, các em đăng ký xong giữ tài khoản riêng mình, không cho ai biết.
Bên cạnh những học sinh lựa chọn học tại Việt Nam, một số học sinh có mong muốn đi du học. Cụ thể, một học sinh cho biết: “Em có định hướng đi du học nhưng không biết cần chuẩn bị những gì?”. TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc (Giám đốc Gloucestershire Việt Nam) cho biết, muốn đi du học, học sinh phải chuẩn bị tài chính, ngoại ngữ, tốt nhất là có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên. Những năm gần đây xu hướng du học tại chỗ nở rộ, thay vì phải sang nước ngoài du học tốn nhiều chi phí và phải chuẩn bị nhiều thứ thì du học tại chỗ (học tại Việt Nam nhận bằng nước ngoài) lại tiết kiệm rất nhiều, chỉ tốn 1/4 chi phí. Chương trình du học tại chỗ giống bên trường nước ngoài đào tạo, học với giảng viên nước ngoài, sau khi tốt nghiệp nhận bằng quốc tế và tấm bằng này có giá trị toàn cầu. “Những học sinh có ý định du học nên cân nhắc vì lựa chọn nào cũng giúp các em thành công, nhưng chúng ta nên cân nhắc để tiết kiệm được nhiều thứ”, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc khuyên.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)