Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không đưa ngữ liệu “gây nhiễu” thí sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Sau khi kết thúc môn thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận xung quanh cách dùng từ “bùn” hay “đất cày” trong câu thơ trích dẫn từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Thí sinh xem lại đề thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: D.Bình

Sự việc chỉ tạm lắng khi Bộ GD-ĐT lên tiếng xác nhận: Dữ liệu đề thi không sai và gia đình cố nhà thơ Xuân Quỳnh cung cấp văn bản viết tay được xem như văn bản gốc của tác giả. Đây có thể xem là bài học đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên làm nhiệm vụ ra đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Không như văn học dân gian, trong văn học viết, việc tồn tại những dị bản khác nhau dù có nhưng không phải là phổ biến. Do đó, với những bài thơ dù hay nhưng chưa thực sự rõ ràng trong việc nhận diện chính xác văn bản gốc thì không nên sử dụng trong đề thi. Nhất là khi xuất hiện những tranh luận trái chiều, có thể gây tâm lý hoang mang không đáng có cho thí sinh cũng như những băn khoăn, nghi ngại của dư luận về tính chính xác, khoa học cần có của đề thi trong kỳ thi mang tầm quốc gia.

Trước ngữ liệu trích dẫn trong đề thi môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 từ bài thơ “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ, đã xuất hiện hai luồng quan điểm khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Luồng quan điểm thứ nhất cho rằng: Câu thơ của Lưu Quang Vũ diễn đạt chính xác phải là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Việc dùng từ “đất cày” trong trường hợp này gợi ra sự mộc mạc, gần gũi, thân thương, tạo nét nghĩa về sự sinh sôi, giàu đẹp của tiếng Việt, đồng thời phù hợp với ngữ cảnh, nhịp điệu của câu thơ, bài thơ. Trong tuyển tập thơ của Lưu Quang Vũ mang tên “Gió và tình yêu trên đất nước tôi” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành cũng có cách dùng từ đó. Trong số những người có quan điểm như trên, có cả những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi, những giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm lâu năm.

Luồng ý kiến thứ hai có quan điểm ngược lại cho rằng, câu thơ như trong đề thi với cách diễn đạt: “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” là đặc sắc hơn bởi cách dùng từ “đất cày” tuy đẹp đẽ hơn nhưng dễ dãi và không sâu sắc bằng lối so sánh “như bùn”. Câu thơ vì thế có thể mở ra những trường liên tưởng rộng lớn hơn: “Nhiều người đọc chữ “bùn” thường liên tưởng đến “hôi tanh mùi bùn”, nhưng với quan niệm của Lưu Quang Vũ, “bùn” cũng là một thứ “phù sa”. Từ lớp “phù sa” ấy đã sinh ra bao nhiêu thứ có ích. Ngay cả loài hoa cao quý và tinh khiết cũng mọc lên từ bùn… cũng như tiếng Việt là linh hồn của dân tộc Việt Nam. Nó đã kết tinh thành thứ ngôn ngữ trong sáng được lưu truyền qua bao thế hệ” (Trích Báo Dân Việt).

Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Ngôn ngữ trong các tác phẩm văn học vốn nhiều tầng, đa nghĩa. Do đặc trưng riêng về thi pháp thể loại, ngôn ngữ thơ càng hàm súc, cô đọng, “ý tại ngôn ngoại”. Do đó, câu thơ của Lưu Quang Vũ có thể khơi gợi nhiều liên tưởng khác nhau với những “nhãn tự” khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Ở đây, người viết bài này xin phép không bàn đến việc cách dùng từ nào là “đắt” hơn, đúng hơn. Điều băn khoăn nhất đó là, với một câu thơ có những dị bản khác nhau, với những luồng tranh luận trái chiều như thế, liệu có nên sử dụng làm ngữ liệu trong đề thi THPT quốc gia với đối tượng học sinh đại trà ở bậc học phổ thông hay không? Bởi, ngoại trừ những học sinh giỏi, có “chất văn” thực sự, phần lớn học sinh với năng lực cảm thụ văn chương ở mức độ khá hoặc trung bình khó có thể phân biệt được trong câu thơ của Lưu Quang Vũ, cách dùng từ “đất cày” hay hơn hay lối ví von “như bùn” đặc sắc hơn. Bài thơ “Tiếng Việt” với câu thơ “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” đã được phổ biến rộng rãi, tái bản nhiều lần, hằn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người. Trong các buổi ôn thi phần đọc hiểu cho học sinh, thậm chí là trong các đợt thi thử chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, nhiều giáo viên cũng đã sử dụng ngữ liệu trên. Trong khi đó, nguồn ngữ liệu trích dẫn trong đề thi được lấy từ cuốn “Thơ Việt Nam 1945-1985” xuất bản cách nay đã hơn 30 năm, liệu có tạo ra sự lạ lẫm và cảm giác bối rối không đáng có cho thí sinh? Một điểm đáng lưu ý khác là, trong cuốn tài liệu tham khảo “Ôn tập môn ngữ văn” chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia (Tập một) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam do tác giả Đỗ Ngọc Thống (chủ biên) cùng các cộng sự Phạm Thị Thu Hiền, Nguyễn Thị Nương và Nguyễn Thị Hồng Vân biên tập thì câu thơ được in rõ ràng là: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” chứ không phải là “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” như trong đề thi.

Phải thừa nhận, bài thơ “Tiếng Việt” là một trong những thi phẩm đặc sắc của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ. Cảm nhận được cái hay, cái đẹp của bài thơ giúp mỗi người thêm yêu mến, trân trọng, nâng niu tiếng nói của dân tộc. Mặc dù vậy, trong một kỳ thi mang tầm quốc gia mà đề thi yêu cầu cao tính khoa học, chính xác, không được phép “gây nhiễu” trong cách hiểu của thí sinh thì việc sử dụng ngữ liệu có nhiều dị bản (nhất là trong ngôn ngữ thơ), đang còn tồn tại những tranh luận trái chiều, là điều nên tránh.

Bùi Minh Tuấn
(Giáo viên Trường THPT Kim Liên, Nghệ An)

Bình luận (0)