Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không được bán vé số trái tỉnh: đúng không?

Tạp Chí Giáo Dục

Ở Sài Gòn có được bán vé số tỉnh khác và ngược lại ở Ninh Thuận có được bán vé số Sài Gòn? Bán vé số trái địa bàn có vi phạm pháp luật không?

Không được bán vé số trái tỉnh: đúng không?

Nhiều người nghèo kiếm sống qua ngày nhờ bán vé số – Ảnh: Hữu Khoa

Sự việc lùm xùm khi ngày 1-9, đoàn kiểm tra liên ngành do Thanh tra Sở Tài chính Ninh Thuận dẫn đầu đã giữ một người bán vé số dạo vì người này bán vé số trái địa bàn.

Vào thời điểm bị đoàn kiểm tra xét hỏi, người bán vé số này đang cầm tám tờ vé số do Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết (XSKT) Bình Thuận phát hành.

Đoàn kiểm tra đã tạm giữ tám tờ vé số nói trên vì cho rằng vé số phát hành ở các tỉnh miền Nam như Bình Thuận không được phép bán ở khu vực các tỉnh miền Trung như Ninh Thuận.

Bán vé số trái tỉnh có phạt?

Theo TS.LS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn luật sư TP.HCM), việc phát hành vé số được quy định tại Điều 13 thông tư 75/2013 hướng dẫn chi tiết về hoạt động kinh doanh xổ số của Bộ Tài chính. Theo đó đối với khu vực miền Trung và miền Nam, xổ số truyền thống được phát hành theo cơ chế thị trường chung.

Khái niệm “cơ chế thị trường chung” – LS Nguyễn Hữu Thế Trạch lý giải – có nghĩa là các công ty xổ số kiến thiết được quyền phát hành vé xổ số trong cùng khu vực (khu vực miền Trung, khu vực miền Nam), không phải chỉ riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương của công ty xổ số kiến thiết.

Tuy nhiên công ty xổ số kiến thiết của tỉnh thuộc khu vực này không được phát hành vé số ở các tỉnh thuộc khu vực khác.

Ví dụ, vé số ở tỉnh thuộc khu vực miền Nam không được phát hành ở các tỉnh thuộc khu vực miền Bắc.

Theo LS Lê Quang Vũ – phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo (TP.HCM), hành vi vi phạm kinh doanh xổ số không đúng địa bàn sẽ bị xử phạt từ 10.000.000-20.000.000 đồng và có hình thức xử phạt bổ sung cũng như biện pháp khắc phục hậu quả theo Điều 38 nghị định 98/2013/NĐ-CP.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thế Trạch cho rằng quy định trên tại Điều 13 là về địa bàn phát hành vé số, nhằm hướng tới các tổ chức phát hành vé số chứ không hướng đến việc hạn chế địa bàn mà người bán vé số dạo đi bán.

Theo đó, các tổ chức phát hành không được phát hành vé số của mình ra các khu vực địa bàn khác, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khu vực khác, hướng tới việc ngăn chặn việc phát hành một số lượng lớn vé số đến các khu vực khác.

Như vậy có thể hiểu vé số ở miền nào chỉ được bán trong khu vực của miền đó như vé số khu vực miền Nam thì bán ở miền Nam, miền Bắc thì bán ở các tỉnh miền Bắc, không bán vé số miền Trung.

Không thể phạt người bán vé số dạo

Theo LS Lê Quang Vũ, trách nhiệm của việc phát hành vé số sai địa bàn trước tiên thuộc về công ty xổ số, kế đến là các đại lý và sau cùng mới là những người bán vé số dạo. 

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết tại Khoản 1 Điều 12 thông tư 75/2013 có quy định cụ thể về phương thức phát hành vé số bao gồm bán trực tiếp cho khách hàng và thông qua hệ thống đại lý xổ số.

Do đó, có thể xác định rằng các cá nhân trực tiếp bán vé số dạo không được xem là phương tiện phát hành vé số.

Theo ông Nguyễn Hữu Thế Trạch, đây không phải là đối tượng phải bị xử phạt, do đây chỉ là những người giúp đỡ đại lý xổ số trực tiếp bán cho khách hàng, hay có thể gọi là cánh tay nối dài của đại lý xổ số, không phải đối tượng kinh doanh xổ số.

Trong thực tế, nếu những người bán dạo không bán hết được lượng vé số nhận từ đại lý thì họ hoàn toàn có thể mang về và trả lại cho đại lý, không bắt buộc phải trở thành khách hàng mua vé số.

Đồng tình với ý kiến trên, LS Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng các cá nhân bán vé số được hưởng hoa hồng như là khoản tiền công cho việc phân phối vé số. Theo nghĩa thông thường được hiểu thì người bán vé số có thể xem như đang làm công cho các doanh nghiệp phát hành vé số.

Do đó khó có thể gọi tên việc bán vé số dạo là kinh doanh.

Thông tư 75 hay nghị định 30/2007/NĐ-CP (sửa đổi tại nghị định 78/2012/NĐ-CP) về kinh doanh xổ số cũng không có dòng nào quy định nhằm chỉ rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân những người bán vé số đối với việc phân phối vé số theo khu vực mà chỉ nêu quy định trách nhiệm cho công ty xổ số.

“Trong khi đó, công dân VN ở bất kỳ đâu cũng có thể tham gia mua vé số”, LS Lê Cao cho biết.

Ở một khía cạnh khác, theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, việc người tham gia bán vé số dạo cũng nhằm giải quyết đáng kể số lượng người không có công ăn việc làm, những người có hoàn cảnh cơ nhỡ, khó khăn.

“Nếu như chúng ta chỉ áp dụng các quy định của pháp luật một cách cứng nhắc sẽ dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Chúng ta cần phải có cái nhìn rộng hơn và nghiên cứu rõ quy định để có thể hiểu được mục đích của nhà lập pháp đặt ra quy định đó là để làm gì, có như thế thì các quy định pháp luật mới được áp dụng đúng, tránh gây các trường hợp không thống nhất trong việc áp dụng quy định pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân”, LS Thế Trạch nhận xét.

Cần có những quy định cụ thể hơn

Theo LS Lê Cao, hiện nay chưa có quy định nào về vấn đề phải xác định rõ địa bàn được phép phân phối vé số cho đại lý bán vé số được biết.

Quy định xử phạt hành vi phát hành vé số trái địa bàn cũng không chỉ ra ai là chủ thể bị xử phạt cụ thể, chỉ nói đến dấu hiệu của chủ thể kinh doanh vé số, trong khi đó hoạt động kinh doanh vé số thực chất là của công ty xổ số.

Theo LS Nguyễn Hữu Thế Trạch, cần hiểu rõ khái niệm kinh doanh xổ số bao gồm những đối tượng nào, ở đây bao gồm công ty xổ số và đại lý xổ số.

Công ty xổ số là đơn vị trực tiếp kinh doanh xổ số, nếu cố tình phát hành vé xổ số sai địa bàn thì cần phải được xử phạt.

Đại lý xổ số là nơi thực hiện tiêu thụ vé, đây là nơi tiêu thụ và bán lại vé số cho khách hàng. Do đó, nếu đại lý xổ số cố tình ký hợp đồng với Công ty xổ số kiến thiết và tiêu thụ ở ngoài khu vực phát hành thì được xem là hành vi kinh doanh xổ số không đúng địa bàn.

“Xử phạt hành vi kinh doanh sai địa bàn cần được hiểu đúng hơn và chủ thể bị xử lý phải là các doanh nghiệp phát hành vé số. Nếu người bán vé số làm sai khi bán sai địa bàn thì các doanh nghiệp này phải lường trước được và có chế tài như cắt giảm hoa hồng, bồi thường thiệt hại… khi ký kết hợp đồng đại lý vé số.

Quy định về vấn đề này cần tường minh hơn để chỉ rõ chủ thể bị xử phạt”, LS Lê Cao nói. 

VÕ HƯƠNG – MAI NGUYỄN/ TTO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)