Chỉ dạy thêm, học thêm khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện và được phụ huynh đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học thêm; không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của trường để đưa vào dạy thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học…
Những nội dung trên có trong dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến. Thông tư này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, học thêm và tổ chức, cá nhân có liên quan.
Không dùng ví dụ, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá
Về nguyên tắc, dự thảo thông tư quy định dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu, tự nguyện và được cha mẹ hoặc người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam; không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh; tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm. Không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường. Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Đặc biệt, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với dạy thêm trong nhà trường, dự thảo quy định nhà trường công khai việc tổ chức dạy thêm, học thêm về mục tiêu, nội dung, thời lượng, mức thu tiền học thêm và danh sách giáo viên dạy thêm theo môn học ở mỗi khối lớp để học sinh có nguyện vọng tự nguyện đăng ký. Hiệu trưởng căn cứ nguyện vọng của học sinh xây dựng kế hoạch tổ chức dạy thêm, học thêm; báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp trước khi tổ chức dạy.
Còn tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp. Hiệu trưởng tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo và được sự đồng ý của trưởng phòng GD-ĐT (đối với cấp THCS), giám đốc sở GD-ĐT (đối với cấp THPT).
Cần xác định rõ những hành vi bị cấm
Góp ý cho dự thảo, TS. Lâm Thanh Minh (Trưởng phòng Công tác Chính trị và Học sinh – sinh viên, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định, quy định “không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày” trong dự thảo là phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi các em.
Điểm mới của dự thảo thông tư lần này theo TS. Minh là đề cao vai trò của tổ chuyên môn trong việc dạy thêm, học thêm đối với các môn học do tổ chuyên môn đảm nhận. Giáo viên đề xuất dạy thêm, học thêm cần nêu rõ lý do, mục tiêu, nội dung, thời lượng… trong tổ chuyên môn để lấy ý kiến, đi đến thống nhất. Tuy nhiên, TS. Minh cho rằng, tổ chuyên môn cần làm rõ hoạt động dạy thêm này không ảnh hưởng đến việc đạt được yêu cầu cần đạt đối với những học sinh không học thêm. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký và báo cáo cho tổ chuyên môn để lấy ý kiến, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ông Minh góp ý thêm: “Cần quy định cụ thể việc giáo viên cam kết không sử dụng ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Vì điều này sẽ ảnh hưởng đến các học sinh không có điều kiện học thêm. Đối với việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, cần quy định về đảm bảo chất lượng, cần được kiểm định chất lượng giáo dục. Cơ sở liên kết phải công khai danh sách giáo viên”.
TS.Đinh Thị Thanh Nga (Trưởng bộ môn Pháp luật hành chính – hình sự, Khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn) cho rằng, quan hệ dạy – học cũng là một quan hệ dịch vụ phục vụ nhu cầu của xã hội. Có cầu, ắt có cung. Khó cấm dạy thêm trong khi nhu cầu xã hội vẫn có và việc cấm hoạt động này có thể làm nảy sinh những biến tướng, không quản lý được. Vì vậy, để tránh những hệ lụy không đáng có, cơ quan Nhà nước cần phát huy vai trò quản lý bằng các quy định của pháp luật. Nghĩa là hợp pháp hóa để quản lý và xác định rõ những trường hợp nào là hợp lý, được phép thực hiện dạy thêm, học thêm đáp ứng nhu cầu xã hội. Chẳng hạn, học sinh tiếp thu chậm, muốn rèn luyện thêm, muốn phát triển thêm một số môn năng khiếu…
Cùng với đó, TS. Nga đề cập sự cần thiết phải xác định rõ những hành vi bị cấm để có căn cứ xử lý khi việc dạy thêm, học thêm bị lợi dụng, trái với tinh thần tự nguyện của một quan hệ dân sự. “Đối với viên chức là giáo viên, kể cả hiệu trưởng cũng có thể có nhu cầu thực hiện hoạt động nghề nghiệp chính đáng, không nên cấm. Điều quan trọng là cần giải được bài toán đảm bảo chất lượng của hoạt động nghề nghiệp chính và vẫn đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Các quy định cần đảm bảo tính khả thi và không duy ý chí” – TS. Nga góp ý.
TS.Nga cũng kỳ vọng, nếu thực hiện cùng những cải cách chương trình đào tạo phổ thông và tuyển sinh ĐH; khắc phục bệnh thành tích; cải cách chế độ tiền lương đối với giáo viên thì dự thảo sẽ tạo ra những điều chỉnh thích hợp về cơ chế để hoạt động dạy học thực sự phát triển đúng với tính chất của một dịch vụ công.
Mê Tâm
Bình luận (0)