Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không được giáo dục giá trị sống: Trẻ dễ hư

Tạp Chí Giáo Dục

Để xây dựng lòng tự tin ở trẻ, cha mẹ cần phải tin vào khả năng của trẻ. Ảnh: V.Ly

Cứ mỗi dịp hè, trong khi nhiều phụ huynh chạy đôn chạy đáo lo cho con học hết lớp kỹ năng sống này đến lớp khác thì  có không ít ông bố bà mẹ lại thiếu quan tâm đến việc giáo dục giá trị sống cho trẻ.
Trẻ đang “khát”giá trị sống
Khi trao đổi với một số phụ huynh về phương pháp giáo dục con thời nay, chúng tôi thấy có một vấn đề mà họ gặp khó khăn là giáo dục giá trị sống cho con. Một phụ huynh ở quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) đã phân trần: “Sao tôi thấy việc giáo dục giá trị sống cho con cứ khách sáo thế nào ấy. Vợ chồng chúng tôi rất ngại ngần khi dạy con cái phải biết sống có lý tưởng, quảng đại, bao dung, độ lượng, cảm thông với mọi người”. Trong khi đó, một số trẻ từ 12-14 tuổi trao đổi với chúng tôi rằng: “Cháu không biết những biểu hiện trong thái độ và hành vi của mình như thế nào là hư, không ai bảo cháu vì sao phải làm thế này và không được làm thế kia”. Cậu bé Hà Minh (13 tuổi) ở huyện Định Quán (Đồng Nai) kể rằng cháu cùng nhóm bạn vào vườn điều của nhà hàng xóm hái quả đem bán để chơi game. Bị các chú công an bắt giữ, lúc đó các cháu mới hay là mình vi phạm pháp luật.
Ranh giới giữa hành vi ngoan và hư của trẻ đôi khi rất mong manh, trẻ chưa hiểu được giá trị thật của việc mình làm vì thế không biết mình đang có chiều hư hỏng. Do đó, việc giáo dục giá trị sống cho trẻ là việc cấp thiết. Nhất là khi trẻ đang độ tuổi hoàn thiện nhân cách của mình (lứa tuổi teen).
Giáo dục giá trị sống là giáo dục cho trẻ tự rèn luyện mình để phát huy những giá trị tốt đẹp bên trong con người và biết điều chỉnh, hạn chế hành vi xấu. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần lưu ý, để làm được điều này đòi hỏi phải trải qua một quá trình thực tế, chứ không chỉ là một vài bài giảng hay lên lớp đối với trẻ. Giáo dục giá trị sống là giáo dục cho trẻ nhìn nhận thấy những giá trị của bản thân và làm cho người khác hiểu được giá trị của mình. Nhận thức được giá trị của mình, “biết mình biết ta” chính là cơ sở để trẻ biết định vị, định hướng và điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với chuẩn mực xã hội. Trẻ hiểu được giá trị của sự cảm thông, bao dung, độ lượng… thì sẽ hiểu được một con người tốt lành là biết yêu thương và không bao giờ muốn có hành vi làm tổn thương người khác.
Những giá trị sống mà cha mẹ cần giáo dục con

Nếu không được giáo dục kỹ năng sống, trẻ sẽ dễ dẫn đến hư hỏng. Trong ảnh các HS Trường TH Nguyễn Trung Ngoạn (Q.8) đang chơi trò chơi dân gian. Ảnh: N.Trinh

Thứ nhất là lòng nhân ái: Cha mẹ hãy giúp con biết sống quảng đại, yêu thương mọi người. Sống trong gia đình, cha mẹ hãy cho trẻ chứng kiến những việc làm đầy lòng quảng đại như chăm sóc ông bà chu đáo, không xem thường người nghèo, biết giúp đỡ những người hành khất… Dạy con biết nói lời xin lỗi, cảm ơn, làm những việc có ích cho mọi người… Đây là việc làm khá đơn giản, cha mẹ phải biết khéo léo để căn nhà luôn rộn tiếng cười đùa, lời yêu thương và các hành động cao quý. Trẻ sẽ học hỏi và thẩm thấu giá trị về lòng nhân ái khi đối xử với người khác. Thứ hai là sự  đồng cảm: Cha mẹ luôn dạy cho trẻ biết nghĩ đến người khác mỗi khi hành động, để chúng tự cân nhắc và quan tâm đến mọi người trong những tình huống cụ thể. Trẻ chưa biết phân biệt đúng – sai và không biết được hành vi của mình có làm tổn thương đến người khác, nên cha mẹ phải định hướng cho trẻ trong khi ứng xử. Chẳng hạn như cha mẹ dạy con bài học nhặt được của rơi thì trả lại người đánh mất. Ban đầu trẻ nghĩ rằng nhặt được của rơi thì mình có thể tự do sử dụng và không có lỗi gì cả. Nhưng cha mẹ có thể bảo trẻ đặt mình vào vị trí của người đánh mất để biết được nỗi đau khổ và thất vọng của người bị mất đồ. Vì thế, trẻ sẽ hình thành được cách sống chân thật và độ lượng hơn. Thứ ba là sống công bằng: Trong quá trình trưởng thành, trẻ không thể tránh khỏi những lỗi lầm. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ chuộc lỗi. Khi làm người khác tổn thương, trẻ phải nói được lời xin lỗi và có những hành động để sửa sai, bù đắp. Đặc biệt khi trẻ có những hành vi sai trái, cha mẹ phải giúp trẻ nhận ra lỗi lầm, tỏ thái độ hối lỗi và nhận ra được hậu quả mà mình đã gây cho người khác, không đổ thừa mà biết nhận trách nhiệm về mình để tìm cách khắc phục. Khi trẻ nhận ra giá trị của sự công bằng, trẻ sẽ sống có trách nhiệm hơn và biết cư xử đúng đắn với người khác. Đồng thời, trẻ sẽ biết đấu tranh trước những hoàn cảnh bất công để bảo vệ quyền lợi cho mình và mọi người. Thứ tư là lòng tự tin: Không phải đứa trẻ nào lớn lên cũng tự tin vào bản thân. Vì thế, cha mẹ hãy nuôi dưỡng lòng tự tin ở trẻ. Ngay từ lúc còn nhỏ, khi chơi xếp hình, trẻ luôn muốn mình xây được một tòa nhà thật đẹp. Nếu phụ huynh biết quan tâm, động viên kịp thời, trẻ sẽ quyết tâm thực hiện và đạt được thành công. Để xây dựng lòng tự tin ở trẻ, điều cốt yếu là các bậc cha mẹ cần phải tin vào ý tưởng và khả năng của trẻ. Trẻ sẽ sẵn sàng nỗ lực thực hiện khi biết rằng có thất bại cũng không bị cha mẹ chê trách. Nhờ tự tin con trẻ có thể xử lý những vấp váp gặp trên đường đời. Nếu trẻ ngại ngùng, do dự, thiếu quyết đoán, cha mẹ hãy động viên “Thua keo này ta bày keo khác – con cứ cố gắng hết mình”. Bài học để trẻ tự tin là bắt đầu từ những việc làm đơn giản, quen dần với công việc, trẻ sẽ khéo léo hơn và biết sống có trách nhiệm với công việc của mình. Từ đó, trẻ sẽ tự tin với bản thân. Thứ năm là sống chân thành: Một trong những biểu hiện của trẻ hư là nói dối. Cha mẹ đừng phản ứng quá gay gắt khi chứng kiến cảnh con nói dối. Trước tiên phải tìm hiểu kỹ nguyên nhân. Đôi khi trẻ nói dối để che đậy những nỗi băn khoăn, lo lắng trong lòng hay thậm chí là để thăm dò ý kiến người lớn. Cha mẹ phải từng bước giúp trẻ phản ánh và diễn đạt sự thật. Trong quá trình giáo dục con, cha mẹ luôn nhắc nhở rằng “thái độ chân thành luôn tốt hơn sự giả dối”. Sống chân thành thể hiện qua những việc làm cụ thể, nhỏ nhặt hàng ngày.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Giáo dục giá trị sống là một quá trình biến nhận thức thành hành động, nghĩa là cha mẹ không chỉ giúp con hiểu biết mà còn làm được những điều mình hiểu. Kỹ năng sống là cách ứng xử bên ngoài cuộc sống thực tế còn giá trị sống là cốt lõi bên trong con người. Vì thế, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục giá trị sống cho con để ngày càng có nhiều công dân có ích cho xã hội.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)