Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không được xem thường khi trẻ đau bụng

Tạp Chí Giáo Dục

Khi trẻ bị đau bụng nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện

Nhiều người cho rằng, đau bụng chỉ là chuyện nhỏ. Thậm chí, khi con đau bụng, các ông bố, bà mẹ chỉ lấy dầu xoa lên bụng cho trẻ chứ ít ai đưa con tới bệnh viện. Tuy vậy, theo khuyến cáo của các BS, đau bụng ở trẻ em rất nguy hiểm, trong đó có bệnh xoắn ruột…
Cả mét ruột bị hoại tử
Đó là trường hợp của bệnh nhân B.S.Tr (13 tuổi) nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM. Trước đó, bệnh nhân đau bụng, nôn ra dịch xanh nhiều lần trong ngày. Thấy vậy, gia đình cho em uống thuốc trị rối loạn tiêu hóa nhưng không khỏi nên đưa tới bệnh viện. Tại đây, các BS xác định bệnh nhân bị xoắn ruột (gần một mét) khiến máu không lưu thông nên đã bị hoại tử. Đây là di chứng từ vết mổ ruột thừa trước đó. Ngay sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ phần ruột xoắn.
Cũng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Khoa Hồi sức đã phẫu thuật thành công cho hai bệnh nhi bị xoắn ruột. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi Đ.H.A, 2 tháng tuổi, ở Q.1. Bệnh nhi nhập viện do ói nhiều lần, dịch ói vàng, đi tiêu ra máu đỏ. Sau khi siêu âm bụng, các BS cho biết bé bị xoắn ruột 2 vòng theo chiều kim đồng hồ. Trường hợp thứ hai là bệnh nhi N.M.T, 5 tuổi, do Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh chuyển lên. Theo gia đình bệnh nhi, trước khi nhập viện 2 ngày, T. đau bụng nhiều, ói dịch xanh, sau đó bụng chướng. Các BS chẩn đoán là xoắn ruột và chỉ định mổ. Bệnh nhi đã phải cắt bỏ khoảng 70cm ruột bị xoắn do dây dính đã tím đen. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một bệnh nhi 27 tháng tuổi, đau bụng từng cơn kèm nôn ói ra dịch màu xanh suốt hai ngày trước khi nhập viện. Tại bệnh viện, sau chụp phim ổ bụng các BS phát hiện một đoạn ruột xoắn.
Xoắn ruột có thể dẫn đến tử vong
Theo các BS chuyên khoa ngoại, có nhiều nguyên nhân dẫn đến xoắn ruột nhưng hầu hết là do bẩm sinh. Tuy nhiên, ở lứa tuổi này trẻ chưa biết nói nên phụ huynh không dễ gì biết được trẻ đang đau bụng. Theo đó, khi thấy trẻ khóc nhiều, không chịu ăn uống, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện.
Chị Nguyễn Kim Hằng, Q.3 kể lại: “Cách đây không lâu, con gái tôi (lúc đó khoảng 7 tháng) cứ khóc suốt, ngày khóc, đêm cũng khóc. Bé cũng không chịu bú, không chịu ăn. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ đơn giản là trẻ con hay khóc cũng là chuyện bình thường. Sang ngày thứ 3, thấy con khóc càng nhiều, bé còn lấy tay ôm bụng. Sợ quá, tôi vội vàng đưa con tới bệnh viện. Tôi té ngửa khi BS cho biết, con mình bị xoắn ruột. Cũng may, tình trạng của bé chưa đến mức phẫu thuật cắt bỏ”.
Với trẻ lớn hơn, ruột có thể bị xoắn do có khối u trong ruột hoặc các phẫu thuật trong ổ bụng trước đó. Cụ thể như trường hợp của bệnh nhân B.S.Tr nói trên. Trước khi bị xoắn ruột, bệnh nhân này đã từng phẫu thuật trong ổ bụng. Bệnh xoắn ruột thường biểu hiện lâm sàng là đau bụng dữ dội, ói dịch xanh, bụng chướng, tiêu máu đỏ…
“Ruột xoắn dẫn đến động mạch bị xoắn, phần ruột sẽ không được tưới máu và nhanh chóng hoại tử trong khoảng 6 giờ đồng hồ. Nếu bệnh nhân vào viện với sốc nhiễm trùng nhiễm độc thì khả năng tử vong là rất cao”, BS. Vũ Trường Nhân, Khoa Ngoại Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết.
BS. Đặng Thanh Tuấn, Khoa Hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 khuyến cáo: “Để tránh biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, nếu thấy trẻ than đau bụng, nôn nhiều lần, nôn ra dịch xanh, bụng trương, thì cần đưa ngay đến bệnh viện để được chẩn đoán. Trẻ rất nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nặng nếu không được phẫu thuật kịp thời. Thời gian có thể “cứu” đoạn ruột bị xoắn là 6 giờ kể từ khi có triệu chứng của xoắn ruột. Sau khoảng thời gian này, khả năng phải cắt bỏ rất lớn”.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)