Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Không giảm giá thành, ngành sữa sẽ khó cạnh tranh

Tạp Chí Giáo Dục

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) Mai Kiều Liên khẳng định như vậy với Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng trong buổi làm việc với Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương tại TP.HCM hôm 1-3.

​Không giảm giá thành, ngành sữa sẽ khó cạnh tranh
Nông dân nuôi bò sữa quy mô nhỏ chịu sức ép rất lớn từ sữa nhập khẩu – Ảnh: Thanh Tùng

Theo bà Liên, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu sữa của Vinamilk đạt 240 triệu USD. Vinamilk đạt được tăng trưởng này phần lớn nhờ vào sự gắn bó với bà con nông dân.

Chỉ tính riêng năm ngoái, Vinamilk đã chi đến 131 triệu USD (tương ứng 2.800 tỉ đồng) để mua sữa của bà con nông dân thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, với giá thu mua 13.000-14.000 đồng/lít mà Vinamilk đang trả cho các hộ nông dân như hiện nay, cao hơn giá sữa của thế giới đến 40%, bà Liên cho rằng “từ đây đến ba năm tới, Vinamilk không thể trả giá cao mãi như thế cho bà con nông dân được nữa. Vì khi Hiệp định chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, giá sữa chỉ còn 8.000-9.000 đồng/lít nên buộc phải giảm giá thành thì mới mong cạnh tranh được”.

Muốn giảm giá thành, theo bà Liên, chỉ có hai giải pháp. Thứ nhất, phải tăng quy mô đàn nuôi, với con giống cho năng suất cao.

Thứ hai, giá thức ăn gia súc phải hợp lý, chứ không thể quá cao như hiện nay. Trong khi đó, theo khảo sát của Vinamilk, giá thành không thể hạ nếu bà con nông dân vẫn giữ cách nuôi manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay

Để giải quyết thực trạng nói trên, cũng như tìm các giải pháp phù hợp để Vinamilk và các hộ dân có thể cùng “trụ” được khi thuế suất nhập khẩu sữa sẽ về 0% trong tương lai, bà Liên cho biết hiện Vinamilk đã ký hợp đồng trực tiếp với 8.000 hộ nông dân trên toàn quốc.

Trước mắt, Vinamilk đã khảo sát từng hộ nuôi và hướng dẫn cho nông dân giống bò nào quá cũ kỹ, cho năng suất thấp, giống nào kém chất lượng thì thay đàn, không nuôi nữa.

Tùy theo nhu cầu của các hộ nuôi, người nuôi bò có thể chọn giống của Vinamilk cung cấp, hoặc tự chọn giống để nuôi, “nhưng phải đảm bảo con giống phải cho năng suất trên 20 lít/con/ngày trở lên. Còn cứ nuôi 12-15 lít/con/ngày thì không thể nào cạnh tranh được”, bà Liên khuyến cáo.

Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, bà Liên đề nghị người chăn nuôi phải nâng đàn nuôi lên, hoặc liên kết giữa các hộ nuôi lại với nhau để tăng số bò nuôi từ 5 con/hộ lên ít nhất 20 con/hộ, thậm chí cao hơn nữa thì mới giảm được giá thành.

Song song đó, vấn đề quan trọng nhất, theo bà Liên, là  phải cải thiện được giá thức ăn đang quá cao so với mặt bằng chung.

Theo kế hoạch vừa triển khai, hiện Vinamilk đã ký hợp đồng với các công ty sản xuất thức ăn gia súc, sau đó giao thẳng cho các hộ nông dân đã ký hợp đồng với Vinamilk để sử dụng nguồn nguyên liệu này.  

“Bà con không phải trả tiền thức ăn cho Vinamilk mà chúng tôi sẽ thu sữa về. Nếu làm được như vậy, giá cám sẽ giảm từ 600-700 đồng/kg, cũng góp phần giảm được giá thành cho bà con nông dân, từ đó mới cải thiện được năng lực cạnh tranh”, bà Liên khẳng định.

 

TRẦN VŨ NGHI – Q.KHẢI (TTO)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)