Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không gian học đường: Xin chớ bàng quan!

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thầy Nguyễn Quang Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM: “Xây dựng một không gian trường học lành mạnh, thân thiện là kéo gần lại hơn khoảng cách giữa thầy và trò, giữa các đồng nghiệp giáo viên… Đó là điều kiện tiên quyết đem đến thành công trong việc dạy và học”. 

Một góc “cà phê” bên hành lang giúp giáo viên thư giãn giữa giờ dạy (ảnh chụp tại một trường THPT ở quận Tân Phú, TP.HCM)

Với chủ trương giảm áp lực, căng thẳng của việc học hành thi cử, ngành giáo dục đã đưa ra nhiều khẩu hiệu để định hướng, tuyên truyền. Khẩu hiệu dễ thấy nhất hiện nay, thường treo trước cổng trường là: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Tuy nhiên, niềm vui ấy không chỉ được mang đến ở việc học tập, thi cử; mà còn phải kể đến các yếu tố khác trong trường học, như: cảnh quan, sinh hoạt, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, ăn uống… Tất cả các yếu tố đó gọi chung là không gian trường học. Không gian này phải mang đến “niềm vui” cho người học và cả người dạy. Như vậy, ngoài hoạt động chuyên môn, trường học cần hướng đến xây dựng một không gian: an toàn; xanh-sạch-đẹp; có tính văn hóa, giáo dục cao; thân thiện, đầm ấm và tiện lợi…

Tính an toàn thể hiện trong việc đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dạy và học. Hạn chế tối đa các sự cố do xây dựng, cây xanh, do sự tác động xấu từ môi trường sống xung quanh (mưa nắng, tệ nạn xã hội, âm thanh xô bồ, ô nhiễm…) vào nhà trường. Không gian xanh-sạch-đẹp là không gian đáp ứng tối thiểu về cây xanh, bóng mát; thường xuyên quét dọn vệ sinh, thùng rác và nhà vệ phải nằm nơi tiện lợi; từng màu sơn, ghế đá, hàng cây, tranh ảnh… đều làm nên vẻ đẹp cho không gian trường. Tính văn hóa, giáo dục của không gian học đường thể hiện chủ yếu ở các bảng hiệu được bài trí trước cổng trường, sân trường, trong từng lớp học. Các bảng hiệu này có tính định hướng giáo dục về mục đích, lý tưởng, phương pháp, kỹ năng, quý thầy yêu bạn… tác động trực quan đến học sinh. Thân thiện, đầm ấm và tiện lợi chủ yếu ở cách tổ chức, sắp xếp của nhà trường về phương tiện, phòng ốc, căng tin, thể thao, giải trí, ăn nghỉ…

 Thực tế thì, do hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan, nhiều trường học hiện chưa đáp ứng hết các yêu cầu về không gian trường học nói trên. Tuy vậy, cần thấy rằng, nếu có một không gian học đường tốt, học trò sẽ thêm yêu trường mến lớp, học tập thuận lợi, tiến bộ hơn. Giáo viên cũng sẽ thêm yêu nghề, sẽ cống hiến nhiều hơn và gắn bó với trường như là “ngôi nhà thứ hai”. Theo thầy Nguyễn Quang Đạt – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM: “Xây dựng một không gian trường học lành mạnh, thân thiện là kéo gần lại hơn khoảng cách giữa thầy và trò, giữa các đồng nghiệp giáo viên… Đó là điệu kiện tiên quyết dẫn đến thành công trong việc dạy và học”.

Ngọc Tuấn

 

Bình luận (0)