Gần một năm nay, người dân Đà Lạt và khách du lịch, nhất là giới trẻ yêu thích văn hóa đọc có thêm một không gian văn hóa, vừa thư thái bên ly cà phê vừa trải nghiệm những cuốn sách hay. Đó là Thư viện sách Hòa Bình – nằm ngay giữa trung tâm TP.Đà Lạt…
Nhiều học sinh, sinh viên chọn thư viện làm “điểm hẹn”
Tìm lại ký ức Đà Lạt xưa
Từ xa xưa, Đà Lạt đã gắn với những địa chỉ văn hóa mà mỗi khi nhắc đến, các thế hệ người Đà Lạt và du khách yêu mến thành phố sương mờ này đều quen tên, ví như: “Cà phê Tùng”, “Cà phê Nam Giao”, “Dốc Nhà Làng”, “Nhà sách Hòa Bình”…
Hơn 70 năm về trước, Nhà sách Hòa Bình (tại Khu trung tâm Hòa Bình, Phường 1 – TP.Đà Lạt) – do Công ty sách và thiết bị trường học tỉnh Lâm Đồng quản lý, trở thành một phần ký ức của người Đà Lạt. Bởi những năm đó, đây là nhà sách công cộng đầu tiên và duy nhất ở TP.Đà Lạt – nơi nhiều người tìm đến đọc sách, tra cứu tư liệu, tài liệu phục vụ trong công tác, nghiên cứu, học tập, làm luận văn, đề án khoa học… của nhiều thành phần như: Cán bộ, công chức, viên chức, nhà khoa học, học sinh, sinh viên và nhân dân. Bởi tại đây, lưu giữ nhiều tài liệu có giá trị, các cuốn sách quý về lịch sử hình thành, phát triển TP.Đà Lạt; cao nguyên Lâm Viên và tỉnh Lâm Đồng (cũ); lịch sử cách mạng của quân dân tỉnh Lâm Đồng (đáng chú ý là tư liệu về phong trào học sinh, sinh viên Đà Lạt “xuống đường”, hưởng ứng phong trào học sinh, sinh viên đấu tranh với chế độ Mỹ-ngụy trong các đô thị miền Nam trước năm 1975); tư liệu về kiến trúc, văn hóa, nhất là văn hóa các dân tộc bản địa…
Thoải mái tìm những cuốn sách yêu thích
Song, trước những đổi thay của cuộc sống và vì lý do nào đó, khoảng 10 năm trở lại đây, Nhà sách Hòa Bình bỗng “biến mất”; thay vào đó là các cửa hàng, cửa hiệu bày bán các loại văn hóa phẩm, mỹ phẩm, quần áo… làm người ta quên mất tại đây từng có một không gian văn hóa gắn với tâm thức người Đà Lạt xưa!
Và, giữa năm nay, cư dân phố núi, nhất là giới trí thức, thanh niên, học sinh, sinh viên và du khách trẻ khắp nơi đến Đà Lạt, ngỡ ngàng trước một thư viện sách xinh xắn, hiện đại…, với một cung cách phục vụ khá mới và trẻ trung…
Trao đổi với chủ nhân thư viện sách này, chúng tôi được biết, đây là sự nỗ lực của nhóm bạn trẻ trong hệ thống Trà sữa và Cà phê 123 (Đà Lạt) đã “hợp lực” và “tái hiện” không gian đọc sách mới giữa lòng thành phố. Thư viện sách nằm trên tầng 2 của chính Nhà sách Hòa Bình cũ, bên dưới (tầng trệt) là cửa hàng bánh mì và trà sữa.
Anh Trần Phú Anh – chủ thư viện sách chia sẻ: “Qua tìm hiểu các bậc cao niên, được biết nơi đây từng tồn tại một nhà sách gắn bó lâu đời với văn hóa của người Đà Lạt. Anh em trong nhóm đã bàn và thống nhất khôi phục lại; bởi những gì cũ mà quý, chắc chắn sẽ được người ta còn nhớ, lưu tâm, tìm đến…”.
Các em thiếu nhi cũng say sưa với sách
Ông chủ trẻ còn cho biết, kinh phí hạn hẹp, anh em trong nhóm không có tham vọng xây dựng một thư viện hoành tráng, đầy đủ tất cả các đầu sách, mà chỉ bố trí một không gian nhỏ, làm nơi đọc sách miễn phí dành cho mọi người, nhằm giúp người Đà Lạt tìm lại một phần ký ức xưa…
Sống lại không gian văn hóa đọc
Quan sát cách bố trí thư viện sách của nhóm Trà sữa – Cà phê 123 Đà Lạt, chúng tôi nhận ra nét tinh ý thể hiện sự am hiểu tâm lý, thói quen của người Đà Lạt và đa số khách yêu thích đọc sách. Trước hết, việc chọn đặt thư viện sách trên tầng 2 (diện tích không đến 100 mét vuông) là nhằm tạo sự độc lập, yên tĩnh, tránh sự ồn ào của phố xá. Bên trong, được thiết kế các kệ sách áp tường, theo từng thể loại, chủ đề để bạn đọc tiện tìm chọn; bố trí các vị trí đọc sách đa dạng, tạo sự thoải mái cho khách. Đặc biệt, chủ nhân “có ý” khi thiết kế những góc nhỏ, tinh tế, tạo “điểm nhấn” để những bạn trẻ thích chụp hình, sống ảo lưu lại những bức hình đẹp…
Hiện tại thư viện sách này có hơn 1.000 đầu sách các loại được tuyển chọn, trưng bày, phục vụ bạn đọc; gồm các loại sách: Chính trị, lịch sử, triết học, văn học, kinh tế, xã hội, tư duy, kỹ năng sống…
Đặc biệt, khi tiếp nhận địa chỉ này, nhóm bạn trẻ của thư viện sách được Nhà sách Hòa Bình (cũ) bàn giao hơn 100 đầu sách có giá trị, đó là là những tư liệu quý về Đà Lạt xưa. Số sách này được bố trí ở một không gian riêng để những ai có nhu cầu nghiên cứu, khám phá về Đà Lạt, về lịch sử con người, vùng đất này tìm đọc. Đồng thời, bất cứ loại sách nào (sưu tầm được) nhóm bạn trẻ đều đặt tại đây; bởi theo quan niệm của chủ nhân thư viện: “Mỗi cuốn sách là một phần kho tàng tri thức của nhân loại nên cần trưng bày, giới thiệu…” – anh Phú Anh tâm sự.
Một không gian đọc sách được bày trí đẹp, tinh tế
Điều đáng quý là Thư viện sách Hòa Bình phục vụ tất cả bạn đọc miễn phí. Khách có thể mua bánh mì, cà phê, nước giải khát… (tầng trệt) rồi tìm cho mình một góc của Thư viện (trên tầng 2) để đọc sách, nghiên cứu, tra cứu tài liệu, hoăc thư thái giữa không gian thoáng đãng, yên tĩnh ngay giữa trung tâm thành phố sương mờ!
Mỗi sáng, mỗi chiều bên ly cà phê nhỏ giọt, thơm hương, trải nghiệm cùng những trang sách giữa một không gian xinh xắn, yên bình trong cái lạnh miên man của đất trời phố núi chắc chắn bạn sẽ cảm thấy dễ chịu vô cùng.
Bạn Nguyễn Thái Bằng (sinh viên ngành văn đến từ TP.HCM) chia sẻ: “Những tưởng giữa phố xá chắc hẳn ồn ào, tấp nập; ngược lại, nơi đây thật yên tĩnh, thoải mái, rất dễ chịu; vừa uống cà phê vừa đọc sách hay lắm. Người Đà Lạt rất khéo thu hút khách từ một việc rất nhỏ, nhưng vô cùng hay…”.
Còn cụ ông Phan.V.B (80 tuổi), người Đà Lạt tâm sự: “Cứ tưởng nhà sách mất hẳn rồi. Nay được các bạn trẻ “tái hiện” lại, tôi thực sự rất mừng. Tôi thường đến đây đọc sách mỗi ngày và thấy các cháu phục vụ rất tốt. Cần tiếp tục phát triển thêm…”.
Dù chủ nhân của thư viện khiêm tốn nói rằng: “Chỉ làm mới từ cái cũ, sẵn có để phục vụ người dân và khách du lịch…”. Song, theo chúng tôi, nhóm bạn trẻ này đã biết cách khai thác, “làm mới” từ những thứ cổ xưa, mang nét văn hóa, ký ức của một thời của người bản địa để kinh doanh; ngoài thu nhập chính đáng, nhóm bạn trẻ này đã làm sống lại một địa chỉ văn hóa – kết nối hiện đại với hoài niệm Đà Lạt xưa.
Thư viện sách Hòa Bình còn là “món quà” hết sức có ý nghĩa tặng người Đà Lạt, dịp thành phố này kỷ niệm 130 năm hình thành và phát triển sắp tới…
Thanh Dương Hồng
Bình luận (0)