Ngôi nhà ấy là điểm hẹn của bao thế hệ du học sinh Lào tại TP.HCM, được các bạn nhắc đến như nói về mái nhà chung nhiều kỷ niệm.
Ký túc xá sinh viên Lào trên đường Cách Mạng Tháng 8, Q.3, TP.HCM – Ảnh: Quang Định |
Tôi từng học tập tại Việt Nam, luôn trân trọng tình cảm mà các bạn dành cho đất nước chúng tôi. Những người trẻ của hai nước hôm nay phải có trách nhiệm lưu truyền, làm phong phú hơn tình cảm sâu sắc |
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào Sonthanou Thammavong |
12 năm hình thành và hoạt động, ký túc xá sinh viên Lào trên đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3, TP.HCM) vừa là cộng đồng riêng của các du học sinh Lào nhưng cũng vừa là nơi giao thoa, tìm hiểu những nét văn hóa tiêu biểu của mỗi quốc gia giữa các bạn trẻ hai nước Lào – Việt.
Như giữa quê mình
Dù là cộng đồng riêng, sống cùng nhau nhưng các bạn du học sinh Lào đã hòa vào dòng chảy chung của sinh viên thành phố mang tên Bác. Nhận thức rõ trách nhiệm của một du học sinh được cử đi học song ngoài nhiệm vụ học hành, các bạn vẫn luôn sắp xếp thời gian để tham gia những chuyến khám phá, tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.
Chị Trương Thị Xuân Hoàn – phó giám đốc ký túc xá Lào từ những ngày mới thành lập đến nay – cho biết định kỳ hằng quý đều có những chuyến đi như vậy. Có khi tìm về Đồng Tháp, viếng mộ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tìm hiểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ.
“Hầu như các địa điểm du lịch, di tích lịch sử của TP.HCM các bạn đều đã đi đủ cả. Chúng tôi cố gắng thiết kế để giúp các bạn thư giãn sau giờ học, vừa tranh thủ giới thiệu về TP với các bạn” – chị Xuân Hoàn chia sẻ.
Những chuyến đi về miền Tây sông nước giúp các bạn hiểu hơn về đời sống người nông dân Việt Nam, hiểu thêm môi trường học tập, nghiên cứu khi đến giao lưu với một số trường ĐH tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Phouang Sak – trưởng ban tự quản sinh viên Lào tại TP.HCM – hào hứng: “Đến ngày tết Bun Pi May của các dân tộc Lào, chúng tôi có năm ngày để cùng đón xuân, được té nước như phong tục truyền thống, nấu các món ăn rồi mời các thầy cô, bạn bè người Việt đến ăn tết chung, cảm giác rất gần gũi”.
Bạn Thammaphou Oneauma cho biết rất tiếc khi phải rời ký túc xá Lào để chuyển về khu vực Thủ Đức. Hiện đang là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), bạn cho biết hơn nửa năm sống tại ký túc xá Lào là khoảng thời gian khó quên vì nhiều lý do, trong đó có không gian sống chan hòa như một gia đình.
“Ký túc xá Lào rất thoải mái, tôi có thể sử dụng Internet miễn phí vừa tìm kiếm thông tin phục vụ việc học, vừa có thể liên lạc với bạn bè và gia đình ở quê thường xuyên hơn” – Thammaphou khoe.
Cảm giác như đang được sống giữa quê nhà cũng là cảm nhận chung mà nhiều du học sinh Lào nhắc đến.
Hiện đang sống và làm việc tại Mỹ, cựu du học sinh Sisouvong Malivankham (từng là sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM) gửi những dòng cảm xúc về cho ban giám đốc ký túc xá Lào: “Mình không thể quên những tháng ngày sống ở TP.HCM, không thể quên tình cảm, sự chăm lo của các anh chị quản lý và cả những lễ hội giao lưu văn hóa văn nghệ tại nơi này”.
Một cựu du học sinh khác, bạn Veurnkham Khamphasouk, bày tỏ: “Tôi trưởng thành, tự tin và sống mạnh mẽ hơn. Ký túc xá đã trở thành ngôi nhà thứ hai đối với tôi suốt bốn năm qua”.
Mỗi tháng sẽ có một ngày chủ nhật để các bạn du học sinh Lào tổng vệ sinh ký túc xá. Anh Phouang Sak nói những ngày này là dịp để mọi người cùng nhắc nhở nhau ý thức cùng vun đắp không gian sống chung. Anh Phouang Sak nói vị trí ký túc xá rất tiện lợi, gần trường, gần chợ, cả công viên và nhiều quán ăn nên sinh hoạt hằng ngày thoải mái và rất tiện lợi.
Vun đắp tình hữu nghị
Trong buổi tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào do Bí thư thứ nhất Sonthanou Thammavong làm trưởng đoàn đến TP.HCM cách đây khoảng 20 ngày, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đề nghị Thành đoàn TP.HCM cần phối hợp nhiều hoạt động gắn kết hơn nữa giữa thanh niên TP.HCM với nước bạn Lào.
Theo ông Cang, ngoài hoạt động tình nguyện đã làm nhiều năm qua, cần có hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để doanh nhân trẻ TP.HCM đầu tư, hợp tác phát triển với các doanh nhân Lào, xúc tiến du lịch, phát huy đội ngũ giảng viên trẻ, sinh viên Trường ĐH Nông lâm hỗ trợ nông nghiệp tại một số tỉnh của Lào…
“Tôi mong muốn sự hợp tác thanh niên hai nước ngày càng đa dạng hơn, gắn kết hơn để truyền thống, tinh thần hữu nghị giữa hai đảng, hai nhà nước, tình cảm giữa nhân dân hai nước luôn thân tình, gắn bó đặc biệt” – ông Cang nhấn mạnh.
Chia sẻ điều này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng Lào Sonthanou Thammavong cho rằng phong trào tình nguyện của các bạn trẻ TP.HCM khi đến với Lào đã đem nhiều lợi ích cho bà con, giúp hoạt động thanh niên của Lào thêm khởi sắc.
“Tôi từng học tập tại Việt Nam, luôn trân trọng tình cảm mà các bạn dành cho đất nước chúng tôi. Những người trẻ của hai nước hôm nay phải có trách nhiệm lưu truyền, làm phong phú hơn tình cảm sâu sắc" – anh Sonthanou Thammavong phát biểu.
Khi đại diện Chính phủ Lào trao huy chương hữu nghị cho ban giám đốc ký túc xá sinh viên Lào các thời kỳ năm 2015, Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM Southideth Phommalat cho biết nhiều du học sinh Lào từng học tập tại TP.HCM đã tốt nghiệp trở về và giữ nhiều vị trí lãnh đạo.
“Công này thuộc về các lãnh đạo TP.HCM, các thầy cô giáo và các anh chị trong ban giám đốc các thời kỳ. Các vị luôn dành nhiều ưu ái, quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho con em người Lào sinh sống, học tập tại TP.HCM. Điều đó đã góp phần hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước chúng tôi nói chung và các địa phương ở Lào nói riêng” – ông Southideth Phommalat nói.
Tính từ thời điểm thành lập vào năm 2004 đến nay, ký túc xá sinh viên Lào đã đón trên 500 du học sinh đến học tập tại TP.HCM. Ngoài du học sinh Lào, năm 2010 ký túc xá chính thức đón thêm một số du học sinh Campuchia. Ngoài ký túc xá sinh viên Lào tại Q.3, nhiều du học sinh Lào khác hiện đang ở tại nhiều ký túc xá các trường khác nhau của TP.HCM. Hiện có 169 du học sinh Lào trong tổng số 210 du học sinh đang sống trong ký túc xá. Các bạn đang theo học tại 14 trường đại học, học viện trên địa bàn TP.HCM bằng nguồn hỗ trợ học bổng, phí sinh hoạt của TP.HCM. Hằng năm, ký túc xá phối hợp cùng Thành đoàn TP.HCM và Tổng lãnh sự Lào tại TP.HCM tuyên dương những du học sinh tiêu biểu. Đến nay, hơn 300 du học sinh Lào tiêu biểu đã được tuyên dương. |
Chuyển giao quy trình đào tạo cho các trường ĐH – CĐ của Lào Năm 2012, sau thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam – Lào cũng như giữa Bộ Tài chính hai nước, một số trường ĐH thuộc Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp cùng một số trường, viện tại ba trường ĐH – CĐ ở Lào triển khai đào tạo. Các chương trình này bao gồm đào tạo ĐH, sau ĐH, chuyển giao quy trình đào tạo cho các trường ĐH Lào. ThS Hứa Minh Tuấn, phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – marketing, cho biết trường được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ phối hợp cùng Trường CĐ Tài chính Nam Lào đào tạo bậc ĐH và sau ĐH. Đến nay, đã có 250 sinh viên tốt nghiệp liên thông từ CĐ lên ĐH. Bên cạnh đó, 70 học viên đang theo học chương trình sau ĐH tại Trường CĐ Tài chính Nam Lào. “Toàn bộ chương trình, giảng viên đều đưa từ Trường ĐH Tài chính – marketing qua để tổ chức lớp, quản lý đào tạo cũng như giảng dạy. Chương trình không chỉ đào tạo đội ngũ nhân lực ngành tài chính cho sáu tỉnh phía nam Lào mà còn hỗ trợ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ngành tài chính cho các tỉnh này. Phía đối tác đánh giá chương trình này khá tốt” – ông Tuấn cho biết. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, theo ông Tuấn, việc hợp tác này còn hỗ trợ Trường CĐ Tài chính Nam Lào hoàn thiện quy trình đào tạo, chuyển giao giáo trình, giúp trường đào tạo giảng viên bởi phần lớn giáo viên ở đây mới có trình độ ĐH. Việc hoàn thiện, chuyển giao quy trình và giáo trình đào tạo đã giúp Trường CĐ Tài chính Nam Lào tự mở một khóa liên thông từ CĐ lên ĐH để có thể tự đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực Nam Lào. “Hiện nay giai đoạn một của chương trình đã kết thúc. Nếu hai chính phủ, hai bộ của Việt Nam và Lào tiếp tục giao nhiệm vụ, trường sẵn sàng triển khai tiếp chương trình đào tạo tại Nam Lào” – ông Tuấn nói. Bên cạnh việc triển khai đào tạo tại Lào, Trường ĐH Tài chính – marketing cũng như nhiều trường ĐH khác tại Việt Nam đã dành nhiều học bổng đào tạo ĐH, sau ĐH cho học sinh, sinh viên và cán bộ công chức Lào. Ông Tuấn cho hay hiện có 39 sinh viên ĐH, 12 học viên cao học và một nghiên cứu sinh đang học tập tại trường. M.G. |
Bình luận (0)