Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM vừa tổ chức Hội thảo khoa học Xây dựng Không gian văn hóa (KGVH) Hồ Chí Minh tại TP.HCM, nhiệm vụ, giải pháp. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê chia sẻ, hội thảo là bước khởi đầu cùng nhau làm rõ một phạm trù mới, có nội hàm rộng về xây dựng KGVH Hồ Chí Minh tại TP mang tên Bác.
Các đại biểu tham quan triển lãm sách, ảnh giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Không gian văn hóa vẫn ở mức trưng bày, triển lãm
Nhiều ý kiến cho rằng, các đơn vị, địa phương trên địa bàn TP đã làm nhiều việc rất tốt để khởi động xây dựng KGVH Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong nhận thức hiện nay vẫn còn sự rập khuôn. Xây dựng KGVH Hồ Chí Minh vẫn ở mức trưng bày, triển lãm.
PGS.TS Lâm Nhân – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM – cho biết, KGVH là không gian đô thị, trong đó có con người, môi trường, các thiết chế, hoạt động văn hóa… tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Ngay như thiết chế văn hóa truyền thống ngày càng giảm, thiết chế mới thì chưa có công trình nào mới mang dấu ấn. Đơn cử như dự án xây dựng nhà hát trên địa bàn TP đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Vì vậy cần xác định rõ nội hàm KGVH Hồ Chí Minh. Phải có định hướng, bản thiết kế tổng thể và chi tiết làm cơ sở cho cấp TP, quận huyện, sở ngành, các cơ quan thực hiện để tránh rập khuôn, máy móc, chệch định hướng. Hàng năm đúc kết, rút kinh nghiệm, chỉnh sửa. Như thế, việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh mới thành công.
Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo đánh giá, năm qua TP đã triển khai xây dựng KGVH Hồ Chí Minh và làm được nhiều việc đáng ghi nhận. Đã có hơn 2.900 mô hình KGVH Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị từ trưng bày, triển lãm, đến các tọa đàm, hội thảo. Nhiều công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Bác đạt được những kết quả nhất định và có nhiều tấm gương điển hình, sinh động. Song các công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít. Tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác. Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện. Trong năm 2023 cần làm cho được các điểm nhấn.
“Xây dựng KGVH Hồ Chí Minh được đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu rõ ràng. Cần gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; với xây dựng chỉnh đốn Đảng, trách nhiệm nêu gương; với hệ giá trị văn hóa gia đình, chuẩn mực văn hóa con người Việt Nam. Phát huy cho được nét đẹp văn hóa con người TP với tính kiên cường, tiên phong, năng động, sáng tạo, dám chấp nhận thử thách, tính nhân ái, nghĩa tình. Mỗi cơ quan đơn vị phải phấn đấu là một KGVH Hồ Chí Minh thu nhỏ. Mỗi cộng đồng, gia đình là một KGVH, mỗi người dân TP là một đại sứ văn hóa”, bà Thảo nói.
Người dân phải là chủ thể quan trọng
Xây dựng KGVH Hồ Chí Minh là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM; là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và kéo dài nhiều nhiệm kỳ. Đó là việc củng cố, tạo lập các giá trị văn hóa trên địa bàn TP cả vật chất lẫn tinh thần mà nền tảng là những giá trị của cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Theo PGS.TS Vũ Quang Đạo – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, xây dựng KGVH Hồ Chí Minh là cả một quá trình, cần giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề từ nhận thức tới hành động thực tiễn. Vấn đề cốt yếu nhất trong xây dựng KGVH Hồ Chí Minh tại TP là hãy làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách, tấm gương Hồ Chí Minh thấm đẫm và trở thành lẽ sống của mỗi người dân TP. Để làm được điều này, đòi hỏi TP cần sớm có một nghị quyết chuyên đề về xây dựng KGVH Hồ Chí Minh. Kết hợp chặt chẽ việc hiện thực hóa KGVH Hồ Chí Minh với công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong các lực lượng tham gia xây dựng KGVH Hồ Chí Minh cần phát huy tốt vai trò của thanh niên; phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa nghệ thuật, của các nghệ sĩ trong hiện thực hóa KGVH Hồ Chí Minh.
Tham dự và phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải đánh giá, hội thảo hết sức thiết thực, góp phần làm rõ thêm về khái niệm, quan điểm, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng KGVH Hồ Chí Minh tại TP mang tên Bác. Ban Tuyên giáo Thành ủy nên tiếp thu đầy đủ các nội dung tại hội thảo để tham mưu, bổ sung, hoàn chỉnh Chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ TP về xây dựng KGVH Hồ Chí Minh và đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị vận dụng và triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về xây dựng KGVH Hồ Chí Minh; Tập trung xây dựng và phát triển văn hóa – xã hội nhanh và bền vững, đồng bộ với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, làm nền tảng cho TP phát triển bền vững; Phát huy giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào mỗi người dân TP; Tiếp tục rà soát, tổ chức thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về văn hóa… |
ThS. Nguyễn Minh Hải – Trưởng phòng Báo chí Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM – nêu ý kiến, ở KGVH Hồ Chí Minh, trong các hoạt động phục vụ nhân dân, đội ngũ cán bộ công chức phải tự giác thực hành quan điểm của Người là “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Tuy nhiên cũng phải làm cho nhân dân TP thấm sâu trong nhận thức về nhu cầu và giá trị, ý nghĩa của việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh để mọi người cùng nỗ lực thực hiện, không xem đó chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, của hệ thống chính trị.
“Sẽ rất khó thuyết phục về một KGVH Hồ Chí Minh ở TP.HCM mà đường phố còn vương vãi rác, còn lấn chiếm vỉa hè, còn lối sống xô bồ, vi phạm Luật Giao thông… Hơn ai hết, người dân phải là chủ thể quan trọng bậc nhất, đồng thời chủ động nhất, tích cực nhất trong việc thực hiện để đáp ứng chính lợi ích thiết thân của mình, với sự gương mẫu, định hướng, dẫn dắt của cán bộ, đảng viên. Việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh có thể là động lực để thực sự nâng cao chất lượng sống của người dân. Do đó công tác tuyên truyền, vận động phải làm sao để người dân hiểu đúng và đầy đủ về việc xây dựng KGVH Hồ Chí Minh; qua đó ý thức được trách nhiệm, quyền lợi của mình để chủ động và tự giác tham gia vào công việc ấy”, ông Hải nói.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)