Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không học khó nên người

Tạp Chí Giáo Dục

Hôm tôi đến thăm nhà, chị Vũ Thị Thu Nga – Chi hội trưởng Chi hội khuyến học KP4, P.Linh Xuân, Q.Thủ Đức, TP.HCM vừa đi làm công tác xã hội trong khu phố về, nét mặt chị vẫn còn rạng rỡ. Thế nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời chị là cả 3 cô con gái và 1 cậu con trai sau bao tháng ngày miệt mài đèn sách đến hôm nay đều đã nên người.

Chị Nga (thứ 3 từ phải sang) tại Đại hội khuyến học TP.HCM năm 2009
Trễ còn hơn không 
Suốt những năm tháng tuổi thơ, cô bé Nga không hề biết mặt người bố thân yêu của mình. Bởi ông hoạt động cách mạng ở chiến khu và sau đó bị địch bắt rồi kết án nhiều năm tù giam. Năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng ông mới được về sum họp với vợ con. Thấy cô con gái 11 tuổi vẫn chưa biết đọc biết viết, ông bố đã dắt Nga đến trường xin học chữ. Học xong chương trình lớp 4, Nga gia nhập đội thanh niên xung phong rồi lên miền trung du xây dựng nông trường. Tại đây, nhờ các lớp bổ túc văn hóa cho công nhân nên Nga vừa đi làm vừa đi học. Chị biết dù có trễ vẫn còn hơn không. Một lần nữa chữ nghĩa lại giúp Nga biết tính toán, biết ứng dụng kỹ thuật vào việc chăn nuôi trồng trọt trên những mảnh đất khô cằn vùng đồi núi. Thế rồi “hoa đến thì thời hoa sẽ nở”, một đám cưới giữa cô công nhân với anh cán bộ miền Nam tập kết được tổ chức gọn nhẹ, ấm cúng giữa nông trường.
Có gia đình, chuyện học hành của chị đành gác lại. Mặc dù đã học hết chương trình phổ thông nhưng chị vẫn thấy chưa đủ, nhất là khi trong tay chưa có một tấm bằng nghề. Chị tự nhủ, sau này có điều kiện mình sẽ đi học tiếp cũng chưa muộn. Thế nhưng cơ may đó đã không đến vì sau đó chồng chị đi B, bao nhiêu thời gian còn lại chị phải dồn sức nuôi dạy con cái. Mãi đến sau ngày đất nước thống nhất, gia đình được đoàn tụ chị mới nghĩ đến chuyện học cho mình. Khó khăn của chị bấy giờ là 2 đứa con nhỏ, còn 2 đứa nhỏ phải cần đến bàn tay chăm ẵm của người mẹ. Thế nhưng những rào cản đó vẫn không dập tắt được niềm đam mê học hành của chị. Ban ngày đi làm, ban đêm chị tranh thủ theo lớp quản lý tại chức, chuyện con cái cơm nước giao bớt một phần cho chồng.
Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con
Cuộc sống của gia đình chị đang bình lặng trôi đi thì tai họa ập xuống… Năm 1989, tai nạn giao thông đã cướp đi người chồng của chị. Chị nhớ lại: “Nghe tin anh ấy mất, tôi chết điếng người. Không ngờ anh bỏ mẹ con tôi ra đi quá sớm”. 
Chưa kịp gượng dậy nỗi đau tinh thần, chị lại đối mặt với nỗi đau thể xác – một khối u ở phổi đang hành hạ cơ thể chị. Nằm trên giường bệnh 3 tháng, chị vẫn đau đáu một nỗi lo: không biết ngày mai gia đình sẽ đi về đâu, con cái sẽ như thế nào?
Sau khi phẫu thuật, sức khỏe cứ sa sút dần, chị không thể làm được công việc gì, chị phải nghỉ hưu sớm khi chưa đến tuổi. Không còn trụ cột trong gia đình, tiền bạc lúc nào cũng eo hẹp, thiếu thốn nên có lúc các con chị muốn bỏ học cho mẹ đỡ vất vả nhưng chị thì nhất quyết không. Để có tiền cho con cái đi học, chị lao vào làm mọi việc như nuôi heo, trồng rau, bán nước tương dạo… Thức khuya dậy sớm, lúc nào chị cũng như con cò lặn lội trong mưa nắng chỉ mong con đường đến trường của 4 đứa con bớt gập ghềnh. Thậm chí, khi túng thiếu quá chị đã phải bán nửa căn nhà để lấy tiền trang trải chuyện học hành cho các con.
Và cùng với thời gian, từng đứa con của chị ung dung bước vào cổng trường đại học. Sau khi cô con gái lớn Nguyễn Lan Hương tốt nghiệp đại học, cô em kế Nguyễn Thị Phương Lan trúng tuyển vào Trường ĐH Y dược TP.HCM, cậu con trai Nguyễn Hoàng Thọ cũng trở thành sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ. Riêng cô em út, Nguyễn Thị Tuyết Nhung thì vừa dạy ở Trường THPT Thủ Đức vừa theo học lớp thạc sĩ theo chương trình du học tại chỗ của Úc.
Bây giờ con cái trưởng thành, chị bắt đầu tham gia vào công tác xã hội. Chị là người có nhiều công sức trong phong trào khuyến học của khu phố, bởi chị hiểu không học hành thì không thể nên người được.
Bài & ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)