Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không học sinh nào luyện nổi 9 môn thi

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của TS. Nguyễn Phúc Tăng (Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) về nội dung học sinh có thể đăng ký thi cả hai bài thi tự chọn là KHXH và KHTN theo dự thảo quy chế lần 2 kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của Bộ GD-ĐT.

Một tiết học toán tại lớp 12 Trường THPT Bình Thủy (Cần Thơ)

TS. Tăng trao đổi: “Trước hết tôi cho rằng hầu hết học sinh ở Cần Thơ sẽ không đăng ký thi cả hai bài thi tự chọn, vì thi một bài, các em đã phải học kỹ 6 môn, nên khó có em nào “luyện” nổi 9 môn để thi hai bài. Trước đây thí sinh có thể thi cả khối A và B vì chỉ cần luyện thêm môn lý hoặc môn sinh là đủ. Xét dưới góc độ thi một bài tổ hợp, về thuận lợi, thí sinh chuyên tâm vào tổ hợp môn đã chọn nên cơ hội làm tốt bài thi sẽ cao hơn. Còn nhà trường dễ dàng tổ chức ôn thi cho các em theo định hướng môn đã chọn. Đây cũng là hướng tư vấn của các trường cho học sinh”.

Tuy nhiên, theo TS. Tăng, do tập trung cho những môn thi, nhiều học sinh dễ bỏ qua các môn không thuộc tổ hợp môn đã chọn, dẫn đến kết quả các môn học “ngoài luồng” này không cao. Điều này ảnh hưởng đến điểm trung bình môn học cả năm của các em, cũng đồng nghĩa với điểm xét tốt nghiệp của các em bị ảnh hưởng. Đáng ngại nhất hiện nay là có một số học sinh còn do dự, lúng túng trong chọn bài thi tổ hợp nên thiếu định hướng học tập, hoặc lựa chọn trễ quá sẽ không đủ thời gian ôn tập. Việc nhà trường cho các em đăng ký chậm hoặc đăng ký thi cả hai bài thi tự chọn sẽ gặp nhiều khó khăn trong sắp xếp giờ dạy.

Về công tác tư vấn, theo TS. Tăng, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn triển khai kỹ dự thảo quy chế kỳ thi đến từng học sinh. Tổ chức các buổi sinh hoạt giải đáp những thắc mắc của học sinh liên quan đến kỳ thi; trao đổi với phụ huynh các thông tin liên quan đến kỳ thi cũng như trình độ năng lực của học sinh để phụ huynh hỗ trợ tư vấn cho con em mình chọn bài thi theo năng lực của các em. Ngoài ra, nhà trường cần so sánh điểm thi các môn trong bài thi tự chọn mà các em đã đăng ký với kết quả làm bài trong các đợt kiểm tra định kỳ, để có thêm một căn cứ giúp các em xác định năng lực của mình, có định hướng tốt hơn trong việc ôn tập và chọn bài thi.

Đây cũng là ý kiến của ban giám hiệu và giáo viên dạy khối 12 tại nhiều trường THPT trên địa bàn Cần Thơ. Thầy Nguyễn Hữu Định (Hiệu trưởng Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai) cho biết: “Trường chúng tôi có 450 học sinh lớp 12. Giáo viên chủ nhiệm các lớp 12 đã hỏi ý kiến phụ huynh và học sinh, tất cả đều trả lời: Không dám mạo hiểm ôm đồm thi cả 2 bài tổ hợp vì không đủ sức và thời gian ôn tập. Từ đầu năm học này, nhà trường đã phân luồng để dạy theo năng lực của học sinh. Các em đăng ký bài thi tổ hợp theo KHXH hoặc KHTN để tập trung ôn luyện. Đối với việc không giới hạn trong đăng ký xét tuyển ĐH, tôi cho rằng Bộ GD-ĐT đã tạo thuận lợi cho thí sinh và hạn chế phần nào tình trạng thí sinh ảo, đồng thời góp phần để các trường ĐH nâng cao chất lượng đào tạo để thu hút thí sinh…”.

Ý KIẾN

– Cô Nguyễn Thị Thu Thủy (giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng): Giáo viên vất vả, học sinh được lợi

Theo dự thảo lần này, điểm bài thi môn tự luận lấy đến 0,25 mà không quy tròn điểm đảm bảo độ chính xác và sự công bằng cho học sinh. Bởi vì môn thi tự luận có đặc thù riêng của nó, cũng như môn thi trắc nghiệm cũng có đặc thù riêng biệt. Tuy nhiên, điều này sẽ vất vả cho giáo viên “cầm cân nảy mực” trong công tác chấm thi. Đòi hỏi giáo viên phải định lượng cho bài thi một cách chính xác nhất có thể.

– Em Võ Phạm Xuân Thương (học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng): Dự thảo không đề cập việc cộng điểm lớp 12

Năm nay em đăng ký xét tuyển khối A1. Dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 cho phép học sinh làm 5 bài thi, nghĩa là tất cả các môn đều phải học nếu muốn thi cả 5 bài đó; đồng thời mỗi bài thi tổ hợp có đến 3 môn trong một buổi thi nên rất áp lực. Tuy nhiên em và nhiều bạn sẽ làm tất cả 5 bài thi để có cơ hội xét tốt nghiệp cao hơn. Em băn khoăn ở dự thảo lần 2 không nhắc đến việc cộng tổng điểm năm lớp 12 vào xét tốt nghiệp. Nếu được cộng điểm tổng này sẽ thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh.

Vĩnh Yên (ghi)

Trong khi đó, cô Trần Ngọc Sương (Hiệu trưởng Trường THPT Bình Thủy, quận Bình Thủy) cho rằng: “Dưới góc độ quản lý, tôi đánh giá cao dự thảo lần 2 này, trong đó Bộ GD-ĐT hướng dẫn rất cụ thể quy chế coi thi, chấm thi và mức độ xử lý đối với những trường hợp cán bộ và thí sinh vi phạm quy chế thi. Trường chúng tôi có 353 học sinh lớp 12. Đầu năm học nhà trường tổ chức thi kiểm tra chất lượng. Từ kết quả đó giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho học sinh chọn bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH phù hợp với năng lực. Khi Bộ GD-ĐT ban hành dự thảo lần 2 này, chúng tôi đã hỏi ý kiến học sinh, tất cả các em đều trả lời chỉ đăng ký thi một bài tổ hợp”.

Theo nguyện vọng của Ban Giám hiệu và giáo viên dạy lớp 12 Trường THPT Bình Thủy, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu kéo dài kỳ thi thành 3 ngày. Cô Huỳnh Thanh Hà (giáo viên toán) phân tích: “Trước đây mỗi buổi chỉ thi một môn. Bây giờ thi 6 môn mà chỉ hai ngày, các em sẽ khó làm bài tốt vì rất căng thẳng. Đặc biệt là bài thi tổ hợp, 150 phút cho 120 câu thuộc 3 môn, thí sinh sẽ rất khó trong việc nhớ kiến thức và suy nghĩ cùng một lúc 3 lĩnh vực để làm bài”.

Đan Phượng

Bình luận (0)