Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Không học “vẹt” tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Thay vì học tiếng Anh chăm chỉ, phương pháp khoa học, rất nhiều sinh viên chỉ học tiếng Anh để… đối phó qua các kỳ thi. Đây là thực trạng dễ thấy ở nhiều trường ĐH, CĐ.

Chỉ… học thuộc để qua kỳ thi

Võ Như Ý (sinh viên Khoa Thiết kế nội thất Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) chia sẻ: Môn tiếng Anh đối với em là một… cực hình. Em có thể học những môn khác với điểm thi rất cao nhưng môn tiếng Anh lại không hiệu quả, trong khi đây lại là môn học bắt buộc sinh viên phải đồng hành trong suốt thời gian học ĐH. Em không có hứng thú khi học tiếng Anh và hầu như không dành thời gian để học môn này ngoại trừ lúc… thi học kỳ. “Đã qua 5 học kỳ, nhưng em chỉ phải học lại một học kỳ môn tiếng Anh”, Như Ý tự hào khoe. Một trong những cứu cánh giúp Như Ý vượt qua các kỳ thi là… học vẹt. “Em chỉ cần học thuộc đáp án bài thi tiếng Anh các khóa trước đây. Bởi đề thi năm nào cũng chỉ ra những câu hỏi đó. Em không giỏi phần viết nên tập trung học thuộc vào phần trắc nghiệm, điền từ. Mỗi câu, em chỉ cần nhớ một từ quan trọng, rồi nhớ đáp án của câu đó. Khi vào phòng thi, hễ thấy câu nào có “từ khóa” là em đánh đáp án vào. Phần điền từ thì càng dễ học thuộc hơn. Trường em đào tạo theo tín chỉ, điểm thi hết môn chiếm 70% nên em chỉ cần làm được 3-3,5 điểm là đủ qua học kỳ. Nhiều bạn học khá hơn em cũng dùng cách này”, Như Ý cho biết.

Một tiết học tiếng Anh của sinh viên Trường CĐ Kinh tế –  Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: N.Trinh

Chuyện học vẹt để đối phó cho qua các kỳ thi là chuyện… thường thấy ở nhiều sinh viên hiện nay. Thay vì học hành nghiêm túc, khoa học, các em chỉ chăm sưu tầm đề thi qua các năm và… đánh lụi. Để rồi sau mỗi kỳ thi, những gì thu thập được trong quá trình ôn tập lại quay về số 0. “Dù qua được kỳ thi nhưng đến giờ em vẫn chưa biết cách đọc bảng chữ cái, chưa biết những câu giao tiếp căn bản. Em cũng rất sợ mỗi khi bị giảng viên tiếng Anh hỏi và nếu không vì điểm chuyên cần được tích lũy khi hết môn có lẽ em chẳng đến trường mỗi khi có giờ tiếng Anh”, Như Ý chia sẻ.

Thực tế rất nhiều sinh viên cho rằng nếu chỉ học tiếng Anh ở trường thì không đủ, không thể áp dụng được trong môi trường thực tế nên chưa cần phải chăm chỉ, khi nào sắp ra trường sẽ tìm một trung tâm ngoại ngữ để học và rèn luyện kỹ năng giao tiếp cũng chưa muộn. Một số khác lại cho rằng trong bảng điểm đã thể hiện môn tiếng Anh được học suốt mấy năm học ĐH, CĐ, nên khi đi xin việc, nhà tuyển dụng sẽ không hạch hỏi gì thêm nếu công việc ít có sự liên quan đến tiếng Anh.

Sẽ vuột mất nhiều cơ hội

“Nếu không sử dụng được tiếng Anh, sinh viên sẽ đánh mất nhiều cơ hội để thăng tiến và phát triển nghề nghiệp sau này”, bà Nguyễn Vân Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Unilever Việt Nam, nói.

Đánh giá về thực trạng học vẹt ngoại ngữ của sinh viên, ThS. Nguyễn Ngọc Bích, Phó trưởng khoa Đào tạo chất lượng cao Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định: Cách học vẹt không nên được áp dụng trong học tập không chỉ riêng với môn tiếng Anh mà là tất cả các môn khác. Học vẹt có thể giúp sinh viên vượt qua kỳ thi nhưng chỉ là tạm thời vì các em chỉ nhớ bài ngay lúc đó, rồi sau đó sẽ quên nhanh hơn. Vòng luẩn quẩn nhớ nhớ, quên quên sẽ được lặp lại mỗi khi tới kỳ thi học kỳ. Điều này chỉ càng khiến các em chán nản với chính mình, bỏ cuộc và chán môn tiếng Anh trong khi nó là một môn học khá thú vị. Trên thực tế, các trường đưa môn tiếng Anh vào khung chương trình đào tạo không chỉ để giúp sinh viên có cơ sở tìm việc sau này mà còn giúp các em ngay trong quá trình học. “Kiến thức là vô hạn. Ngành nghề nào được đào tạo ở Việt Nam thì cũng được đào tạo trên thế giới. Các em cần phải biết ngoại ngữ để tìm và đọc các tài liệu chuyên ngành liên quan trên internet, trên thư viện, nhà sách… Ngoài ra, nếu sử dụng và làm chủ được tiếng Anh, sinh viên sẽ không để vuột mất cơ hội tham gia các khóa học, học bổng do trường liên kết với các trường, viện nghiên cứu ở nước ngoài”, ThS. Nguyễn Ngọc Bích nói.

Ở góc độ khác, bà Nguyễn Vân Anh, Trưởng phòng nhân sự Công ty Unilever Việt Nam, khẳng định: Do tính chất là một công ty nước ngoài nên Unilever chỉ nhận hồ sơ xin việc bằng tiếng Anh và chỉ nhận thực tập thử việc khi đã qua 2 vòng phỏng vấn bằng tiếng Anh.

Theo bà Nguyễn Vân Anh, sử dụng được tiếng Anh là một lợi thế rất lớn trong nền kinh tế mở cửa, có nhiều công ty, đối tác nước ngoài hợp tác với Việt Nam hiện nay. Nếu không sử dụng được tiếng Anh, sinh viên sẽ đánh mất nhiều cơ hội để thăng tiến và phát triển nghề nghiệp sau này.

Ngọc Anh

Đừng lạc hậu trong thời đại kỹ thuật số

Trước suy nghĩ của nhiều sinh viên cho rằng chưa cần phải vội vã học tiếng Anh, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung (Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) nói: Đây là quan niệm rất sai lầm. Nếu không học tiếng Anh ngay từ khi còn là sinh viên năm 1, năm 2, các em sẽ không có thời gian học tiếng Anh khi sắp ra trường vì lúc đó phải chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp và… trả nợ môn. Hơn nữa, học phí ở các trung tâm ngoại ngữ rất cao, các em sẽ không đủ tiền bạc, không có thời gian và kiên nhẫn học tiếng Anh khi đã ra trường. “Có rất nhiều cách để học tiếng Anh ngay từ bây giời với chi phí rất rẻ như học từ bạn bè, sách báo, học từ đời sống bên ngoài và nhất là học trên internet. Học tiếng Anh không nhất thiết là phải nhìn vào sách vở. Các em đừng lạc hậu trong thời đại kỹ thuật số khi mà ngay cả một bác xe ôm cũng có thể học tiếng Anh từ một chiếc điện thoại”, ThS. Nguyễn Thị Xuân Dung nhấn mạnh.

 

Bình luận (0)