Sự kiện giáo dụcTin tức

Không ít cán bộ còn ngộ nhận quyền lực

Tạp Chí Giáo Dục

Nhận xét về công tác dân vận của chính quyền TP.HCM thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy Phạm Phương Thảo cho rằng “không ít cán bộ còn lạnh nhạt với dân hoặc ngộ nhận quyền lực, hành xử với dân theo kiểu xin – cho”. 

Tại buổi tọa đàm “Học tập tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về công tác dân vận – Thực trạng và giải pháp công tác dân vận của Đảng bộ TP.HCM” do Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM tổ chức ngày 12/10, các đại biểu đã tập trung phân tích, thẳng thắn mổ xẻ về thực trạng công tác dân vận của Đảng bộ TP trong thời gian qua. 
Xem nhẹ công tác dân vận   
Theo Bí thư đảng ủy khối dân chính đảng TP.HCM Thân Thị Thư, ngoài những kết quả đạt được, vẫn có lúc, có nơi, mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và nhân dân còn lỏng lẻo, bị giảm sút. Công tác vận động quần chúng nhân dân còn bị xem nhẹ ở nhiều nơi. 
“Nhiều cơ quan, đơn vị còn thiếu trách nhiệm, xem công tác dân vận là của Mặt trận và các đoàn thể, không phải của mình. Thậm chí có người còn quan niệm sai lầm rằng ai được phân công về công tác dân vận thì người đó “có vấn đề” hoặc “không có năng lực”, “năng lực yếu”, “diện khó bố trí”…”, bà Thư nói.  
Nhận xét về công tác dân vận của chính quyền TP trong thời gian qua, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phạm Phương Thảo cũng cho rằng “không ít cán bộ còn lạnh nhạt với dân hoặc ngộ nhận quyền lực, hành xử với dân theo kiểu xin – cho”. 

"Công tác vận động quần chúng phải được coi như bài học vỡ lòng của mỗi đảng viên", ông Võ Trần Chí nói. Ảnh: ĐQ 
Còn theo Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, “thời gian qua, hiện tượng cán bộ, công chức “nói nhiều hơn làm” vẫn còn nhiều, một bộ phận chưa được trang bị cũng như chưa cập nhật kiến thức thường xuyên về công tác dân vận trong tình hình mới, dẫn tới chưa thấm nhuần ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác dân vận”
Nguyên nhân của yếu kém này, theo nhiều đại biểu tham dự tọa đàm, chủ yếu là do nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, cách phân công, phân cấp và chức trách cho cán bộ chưa rõ ràng. Một số cán bộ đảng viên còn xa rời quần chúng, quan liêu, cửa quyền, ít khi tiếp xúc, tìm hiểu đời sống, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Một số cán bộ còn vô cảm trước khó khăn bức xúc của nhân dân.
Yếu kém của công tác dân vận còn do những quy định của pháp luật chưa đầy đủ, còn chồng chéo. Chính sách với cán bộ, công chức cũng chưa đủ sức thu hút người tài, nhất là chính sách với phường, xã”, bà Thảo nói. 
Vận động không thể "rập khuôn" 
Nhiều ý kiến đưa ra gợi mở mang tính đột phá về giải pháp cho công tác vận động quần chúng, trong đó đến sự “chuyển động” về chất trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền TP.  
Để làm tốt công tác dân vận trong giai đoạn tới, Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cho rằng trước mắt, Đảng bộ TP cần tiếp tục tăng cường củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, của MTTQ và các đoàn thể, khắc phục có hiệu quả xu hướng hành chính hóa và bệnh thành tích trong hoạt động. 
“Cán bộ, công chức phải nắm chắc tình hình của nhân dân, qua đó tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các giai cấp, các giới để kịp thời đề ra chủ trương, chính sách giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân. Đồng thời phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia giám sát và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị – xã hội trong sạch, vững mạnh”, ông Hải nhấn mạnh. 
Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí cho rằng, công tác vận động quần chúng phải được coi như bài học vỡ lòng của mỗi đảng viên. Vì công tác vận động quần chúng là chìa khóa đầu tiên, cơ bản để giải quyết vấn đề cách mạng. 
“Những năm kháng chiến chống thực dân và đế quốc, chúng ta đã rất thành công trong công tác vận động quần chúng”, ông Chí nói. 
Tuy nhiên, theo ông Chí, mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi chiến lược cách mạng đòi hỏi sự sáng tạo khác nhau trong công tác vận động quần chúng chứ không thể chỉ rập khuôn, máy móc.  
Điều quan trọng để đi đến thành công của công tác dân vận là làm sao tổ chức thành phong trào vận động, ai cũng vận động, ai cũng tuyên truyền. Có như vậy mới tạo ra sức mạnh”, ông Chí nói.
Để làm được việc này, theo ông Chí và các đại biểu, cán bộ dân vận phải có kinh nghiệm, có nhận thức và trong giai đọan hiện nay, phải có sự “chuyển động” trong lề lối làm việc, đặc biệt là “chuyển động” trong công tác cán bộ và xử lý cán bộ cũng như sự chuyển động mang tính nêu gương của các cấp lãnh đạo ở từng bộ phận, từng đơn vị. 
Đoàn Quý (VietNamNet)

Bình luận (0)