Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Không khó bình ổn tỉ giá

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các chuyên gia tài chính, Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch và cam kết bán ra USD, thị trường ngoại tệ sẽ đi vào lề lối.

"Ngoài tỉ giá trần 21.246 đồng/USD, chúng tôi đã phải chi trả thêm cho các ngân hàng (NH) hơn 20 đồng/USD" – kế toán trưởng của một doanh nghiệp (DN) dược phẩm tại TP HCM cho biết khi mua ngoại tệ của NH hôm 12-7.

Ngân hàng Nhà nước cung ứng đủ USD sẽ tránh được tình trạng giao dịch hai tỉ giá, làm lành mạnh hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng thương mại Ảnh: HỒNG THÚY
Hợp thức hóa bằng phí
Theo vị kế toán trưởng này, hiện hầu hết các NH quy định phí thanh toán tiền mua hàng hóa từ nước ngoài trong khoảng 0,2%-10%. Vì thế, để bán được ngoại tệ cao hơn tỉ giá trần, các NH đều tăng thêm phí thanh toán nhằm hợp thức hóa phần chênh lệch.
Giám đốc khối thanh toán của một NH ở TP HCM cũng cho hay đầu tuần trước, có thời điểm NH bán ngoại tệ cao hơn giá trần 284 đồng/USD do lúc đó nhiều DN có nhu cầu mua USD để thanh toán tiền mua hàng hóa hoặc trả nợ vay NH. Trong khi đó, DN có nguồn thu USD lại dè dặt bán cho NH. Từ đó, không ít NH chưa đáp ứng kịp nhu cầu của khách hàng buộc phải mua USD từ các NH bạn (thị trường liên NH). Tranh thủ yếu tố này, một số NH bán USD cho NH với giá vượt trần theo hướng hoán đổi giao dịch qua đồng ngoại tệ khác để hợp pháp hóa giao dịch VNĐ/USD. Thế nhưng, cuối tuần trước, khi NH Nhà nước đã có động thái răn đe các NH, đồng thời công bố sẽ can thiệp thị trường, lập tức các NH niêm yết giá thu mua USD thấp hơn giá bán ra từ 50 – 146 đồng/USD, giao dịch ngoại tệ giữa các NH với nhau và giữa các DN với NH bớt lộn xộn hơn.
Lãnh đạo của nhiều NH thương mại giải thích: Hiện tại, NH Nhà nước đã bán ngoại tệ cho các NH thương mại với giá trần. Tuy nhiên, do nguồn cung chủ yếu là từ NH Nhà nước nên NH thương mại bán USD cho DN cũng với giá trần, đồng nghĩa NH sẽ thua lỗ chi phí kinh doanh. Vì thế, một số NH tăng thêm phí thanh toán hàng hóa.
Nên linh hoạt theo thị trường
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khi nhu cầu ngoại tệ tăng lên, NH Nhà nước cung ứng đủ USD sẽ tránh được tình trạng giao dịch hai tỉ giá, làm lành mạnh hoạt động kinh doanh tại các NH thương mại.
Giám đốc kinh doanh của một quỹ đầu tư nước ngoài tại TP HCM cho rằng hiện NH Nhà nước muốn ổn định tỉ giá là không khó. Chỉ cần cơ quan này có kế hoạch và cam kết bán ra ngoại tệ, kịp thời can thiệp thị trường khi trạng thái ngoại tệ của hệ thống NH bị âm. Ông Trương Văn Phước, Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam, cho rằng việc ổn định tỉ giá từ nay đến cuối năm 2013 là nằm trong tầm tay của NH Nhà nước bởi dự báo cán cân thanh toán tổng thể năm nay có thể thặng dư 5 tỉ USD. Thế nhưng, do tỉ giá còn phụ thuộc vào lạm phát, thanh toán thương mại, đầu tư, vay nợ của Việt Nam… nên đến cuối năm 2013, tỉ giá có thể dao động thêm trong khoảng 1% – 1,5%. NH Nhà nước có thể xem xét điều hành tỉ giá theo hướng cố định tỉ giá bình quân liên NH rồi điều chỉnh lên một mức nhất định hoặc điều chỉnh dần tỉ giá bình quân liên NH theo hướng "trườn bò".
Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường Đại học Mở TP HCM, phân tích: Lãi suất VNĐ đã xuống còn 7%, tỉ giá đã tăng 1% vào ngày 28-6; việc mua bán USD với NH vẫn còn nhiều phức tạp… Do đó, nếu thời điểm này NH Nhà nước tiếp tục tăng thêm tỉ giá thì niềm tin vào VNĐ sẽ tiếp tục suy giảm. Người dân có thể chuyển đổi VNĐ sang USD tạo sức ép lên tỉ giá. Do đó, tỉ giá cần phải được ổn định trong thời gian tới.
Theo ông Thuận, nếu đến cuối năm 2013 nhu cầu ngoại tệ tăng mạnh thì NH Nhà nước nên linh hoạt điều chỉnh tỉ giá tăng thêm 1% nhằm phù hợp với tín hiệu thị trường.
Đủ sức ổn định thị trường
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NH Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2013, cán cân thanh toán quốc tế diễn biến thuận lợi, nhập siêu chỉ ở mức 1,4 tỉ USD, dự kiến cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 thặng dư ở mức 5 tỉ USD. Đặc biệt, trạng thái ngoại tệ của các NH và doanh số giao dịch không có đột biến. Ông Hưng cho biết đầu năm 2013, NH Nhà nước đã khẳng định tỉ giá biến động trong cả năm chỉ từ 2% – 3%. Với quy mô dự trữ ngoại hối đang ở mức cao, NH Nhà nước sẵn sàng can thiệp mạnh để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.
Thy Thơ (NLĐ)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)