Lần đầu tiên tại EURO 2020, người ta thấy cảnh Azzurri phải chiến đấu nhọc nhằn như vậy. Họ phải co mình lại, giống như phải chịu 'khổ nhục kế' để chống lại sức mạnh kiểm soát bóng của Tây Ban Nha.
Cú sút ghi bàn mở ra cơ hội giúp tuyển Ý nhọc nhằn vào chung kết
Trước Tây Ban Nha, tuyển Ý còn không có bóng để chơi (chỉ giữ bóng 29,9% – ít nhất kể từ đầu giải), nói gì đến việc triển khai lối đá, phát huy tài nghệ! Hàng tiền vệ Marco Verratti, Jorginho, Nicolo Barella vừa được tờ Marca khen ngợi vài ngày trước đó là “hay nhất thế giới”, giờ sụp đổ, giống như động cơ chính của cả cỗ máy giờ trở thành đống sắt vụn. Sau lưng họ, cặp trung vệ khét tiếng Giorgio Chiellini – Leonardo Bonucci thường xuyên bị “số 9 giả” Daniel Olmo kéo ra khỏi vị trí chuẩn. Trận này, Ý đã mất hậu vệ trái xuất sắc Leonardo Spinazzola, và hậu quả là mất luôn một nguồn đưa bóng lên trên. Không có Spinazzola nhận và triển khai bóng, thủ môn Gianluigi Donnarumma thường xuyên phát bóng thẳng vào chân tiền vệ Tây Ban Nha!
Tóm lại, chiến thuật coi như đổ vỡ, và Azzurri trở nên “dưới cơ” so với Tây Ban Nha trong phần lớn thời gian trận đấu. Thế rồi, bằng một cách nào đó, Ciro Immobile vẫn “quậy” hàng thủ Tây Ban Nhagiúp cho Federico Chiesa ghi bàn. Và dù Alvaro Morata gỡ hòa 1-1 cho Tây Ban Nha, thì Azzurri vẫn giành quyền đá trận chung kết nhờ chiến thắng trong loạt sút luân lưu 11 m. Đó là loạt sút mà Manuel Locatelli của Ý sút hỏng ngay quả đầu tiên, nhưng rút cuộc thì Azzurri vẫn thắng, trong khi người hùng gỡ hòa cho Tây Ban Nha là Morata lại sút hệt như anh sút phạt đền kém ở vòng bảng!
Niềm vui sau khi ghi bàn của Chiesa
Tính đến lúc này, Azzurri chỉ mới vô địch EURO vỏn vẹn một lần. Đó là năm 1968, mà Ý không hề thắng trận bán kết. Nói chung, họ không chính thức thắng được trận nào! Hòa 0-0 trong trận bán kết 120 phút với Liên Xô, tuyển Ý đi tiếp nhờ phương pháp bốc thăm (thời ấy, người ta chưa nghĩ ra cách đá luân lưu 11 m). Vào chung kết thì Ý hòa 1-1 với Nam Tư. Phải tái đấu, và Ý thắng và được trao cúp. Chung kết mà lại bốc thăm thì… kỳ!
Như thể đã là một truyền thống, cứ phải nhọc nhằn thì mới “chuẩn Ý”, mới thành công. Suôn sẻ thì không được. Trong lần gần đây nhất lọt vào chung kết EURO, Azzurri thắng Đức một cách thuyết phục ở vòng bán kết. Và ngay sau đó, họ thua tan nát 0-4 trước Tây Ban Nha Không ai có thể hình dung ra một trận chung kết đỉnh cao chênh lệch như vậy. Thế nên khi thắng quá dễ ở bán kết vào chung kết Ý không còn là Ý!
Trước đó, Ý đá hay hơn nhiều, trong trận chung kết EURO 2000. Phải may mắn lắm, Pháp mới lên ngôi vô địch, khi Sylvain Wiltord gỡ hòa vào đúng phút chót và David Trezeguet ghi “bàn thắng vàng” trong hiệp phụ. Đá hay như vậy, nên không phải nhắc: đường vào chung kết của Azzurri khi ấy nhọc nhằn vô cùng. Họ chịu phạt đền những 2 lần, may mà đều thoát, trước đối thủ mạnh nhất giải là chủ nhà Hà Lan. Và họ chỉ vượt qua vòng bán kết nhờ loạt sút luân lưu 11 m. Cũng không phải nhắc: hai lần vô địch World Cup gần đây của Ý đều đến trong hoàn cảnh bi đát: Calcio tan hoàng vì các scandal dàn xếp tỷ số.
Tuyển Ý chấp nhận lùi sâu để đá phản công
Một mặt, tuyển Ý mà tỏ ra thua sút, nhọc nhằn, thì đối thủ mới dễ xem thường và bị trừng phạt. Mặt khác, Azzurri thật ra không sở trường về những gì được số đông cho là hay đẹp trong bóng đá. Họ không phải là những giáo sư giữ bóng, tấn công. Ý như thế thì cũng dễ thua. “Khổ nhục kế” thôi!
TT (theo thanhnien)
Bình luận (0)