Không quá nguy hiểm nhưng căn bệnh này khiến dư luận xã hội và ngành y tế e ngại khi tháng 7-2014, tiêu chảy cấp đã gây ra cái chết cho hai trẻ ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.
|
Rửa tay trước khi ăn sẽ hạn chế được nguy cơ đưa vi khuẩn vào cơ thể – Ảnh: T.T.D. |
Những kiến thức cơ bản sau đây về căn bệnh tiêu chảy cấp sẽ giúp mọi người phòng tránh bệnh tốt hơn, đặc biệt cho trẻ nhỏ.
1. Các thể bệnh tiêu chảy cấp thường gặp
"Bù nước bằng đường uống là quan trọng nhất. Đặc biệt, không được tự ý dùng các loại kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ"
|
* Do ruột non bị tấn công
Bệnh nhân gần như không sốt. Thường tiêu phân lỏng như nước, số lượng có thể ít hoặc rất nhiều. Phân thường không có máu, mủ hay đàm nhớt mà chỉ như nước có màu vàng hay màu xanh rêu hoặc màu nước vo gạo.
Số lần đi tiêu trong ngày có thể chỉ 2-3 lần nhưng cũng có thể lên đến 20-30 lần như trong trường hợp bị nhiễm phẩy khuẩn tả nặng. Thể bệnh này thường do vi trùng sinh sôi và sản sinh các loại độc tố tấn công vào ruột non làm tiết dịch ruột ồ ạt, không hấp thu được nước và chất dinh dưỡng.
Các loại vi khuẩn gây bệnh:
+ Ở trẻ em dưới 5 tuổi thường gặp là rotavirus, ngoài ra còn có các loại vi trùng khác như người lớn.
+ Ở người lớn: chủ yếu là các loại vi trùng như E.coli, tụ cầu vàng, nguy hiểm nhất là phẩy khuẩn tả vì có độc tố rất mạnh.
* Do ruột già bị tấn công
Người bệnh đau bụng vùng rốn và dưới rốn, kèm đi tiêu phân sệt lỏng chứ ít khi phân lỏng như nước và thường lẫn đàm nhầy hoặc máu. Tuy không nôn ói nhưng có cảm giác ớn lạnh và sốt. Nếu đoạn cuối ruột già bị tấn công nhiều thì bệnh nhân sẽ có cảm giác đau thốn hậu môn, đi tiêu lắt nhắt nhiều lần.
Bệnh gây mất nước nhưng thường không trầm trọng như thể ruột non. Tuy nhiên thể này có thể gây các biến chứng nguy hiểm như hoại tử ruột trầm trọng khiến nhiễm độc đại tràng và nhiễm độc toàn thân làm bụng trướng, thủng ruột, suy đa cơ quan trong cơ thể và tử vong nhanh chóng hoặc gây nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.
Thể bệnh này do vi trùng xâm nhập trực tiếp sâu vào ruột già, sinh sôi, tấn công, đồng thời sản sinh các loại độc tố tấn công vào ruột già và một đoạn cuối ruột non.
2. Xử trí
Bù nước bằng đường uống là quan trọng nhất. Nên dùng gói Oresol chuẩn theo khuyến cáo (1 gói pha với 1 lít nước sôi để nguội) uống dần trong ngày và uống ngay sau mỗi lần đi tiêu để tránh mất nước. Đặc biệt, không được tự ý dùng các loại kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nên đến bác sĩ khám hoặc nhập viện khi có một trong những dấu hiệu sau:
+ Tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi.
+ Tiêu phân lỏng trên 5 lần/ngày.
+ Đi tiêu phân có đàm nhớt hoặc lẫn máu.
+ Hoa mắt, chóng mặt, tê mỏi tay chân, vọp bẻ.
+ Trướng bụng nhiều.
+ Nôn ói nhiều, không uống được.
+ Sốt trên 38OC.
+ Môi lưỡi khô, da khô, mắt trũng sâu.
3. Phòng ngừa
Bệnh chỉ lây theo đường phân – miệng (tức là từ thức ăn, thức uống nhiễm bẩn – miệng), do đó chúng ta cần áp dụng các biện pháp sau:
– Bảo vệ nguồn nước sạch:
+ Không nên đổ phân, nước tiểu, chất thải nói chung xuống sông, suối, ao hồ.
+ Nguồn nước ăn uống phải riêng biệt với nguồn nước sinh hoạt.
+ Nước dùng ăn uống có nơi chứa riêng và được che đậy cẩn thận.
– Vệ sinh môi trường.
– Vệ sinh cá nhân và an toàn vệ sinh thực phẩm:
+ Chọn thực phẩm an toàn rõ nguồn gốc xuất xứ.
+ Rửa tay sạch dưới vòi nước chảy và rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn.
+ Đối với thịt đông lạnh trong ngăn đá: có thể rã đông bằng lò vi sóng, sau đó rửa dưới vòi nước chảy để vi khuẩn trôi theo nước. Rã đông xong phải nấu chín ngay để vi khuẩn không phát triển.
+ Không tích trữ thức ăn quá nhiều, phải bảo quản kéo dài gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
+ Ăn chín, uống sôi, rửa sạch.
+ Thức ăn đã để ra ngoài sau 4-6 giờ nên được đun sôi lại rồi mới sử dụng và được che chắn cẩn thận.
– Trẻ em dưới 5 tuổi nên cho chủng ngừa rotavirus.
BS TRẦN NGỌC LƯU PHƯƠNG
(TTO)
Bình luận (0)