Những ngành nghề có xu hướng gắn liền với kỷ nguyên số, tạo ra các xu hướng ngành học “hot” cần nhu cầu nhân lực cao. Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng người học cần phải có sự tìm hiểu rõ ràng để tìm ra sự phù hợp, tránh lạm dụng chạy theo.
Các chuyên gia cảnh báo học sinh không nên đổ xô lựa chọn các ngành học mang tính thời thượng
“Nở rộ” ngành học theo xu hướng 4.0
Trong xu thế vận hành của kỷ nguyên số, ngày càng xuất hiện nhiều ngành nghề mới đòi hỏi nhu cầu về nguồn nhân lực được đào tạo mới để đáp ứng. Bắt kịp với thị hiếu này, mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều ngành học gắn liền với kỷ nguyên số, xu hướng 4.0 tiếp tục được mở mới tại các trường đại học.
Trong đề án tuyển sinh đại học năm nay, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thông báo có 5 chương trình hoàn toàn mới gắn liền với kỷ nguyên số, gồm: Công nghệ tài chính (Fintech), marketing công nghệ (Martech), kinh doanh số (Digital business), kỹ sư robot và trí tuệ nhân tạo (Robot & AI), kỹ sư công nghệ Logistic (Logtech). Đây được xem là các ngành học mang tính thời thượng, gắn liền với kỷ nguyên số đang rất khát nhân lực. Tương tự, nhằm bắt kịp với xu hướng đào tạo ngành nghề hiện nay, mùa tuyển sinh năm nay, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã có chủ trương mở nhiều ngành học mới ở các trường thành viên. Cụ thể, Trường Đại học Công nghệ Thông tin mở ngành học trí tuệ nhân tạo; Trường Đại học Khoa học Tự nhiên có thêm ngành học quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành công nghệ vật lý điện tử và tin học… Trong khi đó, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM dự kiến năm nay mở ngành đào tạo mới là digital marketing; Trường Đại học Quản lý và Công nghệ TP.HCM chính thức tuyển sinh ngành học mới là truyền thông đa phương tiện.
Trong xu thế đó, trong năm 2023, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM dự kiến mở năm ngành học mới là công nghệ tài chính, khoa học dữ liệu, luật, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, thương mại điện tử.
Tính toán về sự phù hợp
Trước xu hướng này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM) nhìn nhận, các em học sinh dễ có xu hướng lựa chọn vì có tâm lý rằng đây là các ngành học “hot”, ngành học mới thì mức điểm chuẩn sẽ dễ thở hơn, nhu cầu nhân lực cao, cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn… Dù vậy, ông Nguyên phân tích, bất cứ ngành học nào cũng đòi hỏi người học những năng lực và tố chất riêng biệt để có thể theo học được, thích ứng được khi ra làm nghề. Khi lựa chọn bất cứ ngành học nào thì điều cần thiết vẫn là sự tìm hiểu, tính toán, cân nhắc kỹ của người học để chắc chắn rằng sự lựa chọn của mình là phù hợp nhất. Đối với các ngành học mới, những năng lực và tố chất này chưa thực sự rõ ràng, do vậy càng cần đến sự tìm hiểu, cân nhắc một cách nghiêm túc, cẩn trọng của người học. Tránh chạy theo thị hiếu đám đông, tâm lý ngành “hot”, trường “hot” để lựa chọn. “Người học phải có sự nhìn xa ra rằng ngành học đó trong tương lai từ 5-10 năm nữa thì nhu cầu nhân lực sẽ thế nào, chứ không phải chỉ nhìn trong thời điểm mà bản thân đang lựa chọn học”, ông Nguyên phân tích thêm.
Mỗi ngành học, các em học sinh đều phải tìm hiểu về sự phù hợp với năng lực, sở thích…
Chuyên gia này lấy ví dụ, đối với ngành học logistics và quản lý chuỗi cung ứng, trong vòng 5 năm trở lại đây tỷ lệ học sinh theo học ngành này rất cao, mức điểm của ngành này tại các trường đại học có đào tạo cũng gia tăng theo. Thế nhưng, tỷ lệ “khát” nhân lực của ngành này vẫn nằm ở top cao vì nhân lực ra trường không phải ai cũng đáp ứng được với đòi hỏi của thị trường, bởi ngành học đòi hỏi sự năng động, nhạy bén, năng lực tiếng Anh, tính toán logic… “Không phải cứ ngành học “hot”, cần nhiều nguồn nhân lực thì ra trường là có việc làm, thu nhập cao. Điều quan trọng là bản thân người học phải có sự phù hợp với ngành học, trong quá trình học phải tích lũy được kiến thức, kỹ năng cho mình để có thể chủ động tìm kiếm các cơ hội, thích nghi với yêu cầu, đòi hỏi của công việc trong tương lai”, ông Nguyên lưu ý.
Ông Trần Anh Tuấn (chuyên gia dự báo nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) đánh giá, việc các trường đại học mở thêm ngành học mới là phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế, xã hội, đáp ứng với thời kỳ kỷ nguyên số đang ngày càng mạnh mẽ. Điều này càng tạo ra sự tương tác về ngành nghề đang rộng lớn, sự tích hợp nghề đan xen, tích hợp lại và mở rộng ra. Thị trường lao động đang vận hành với rất nhiều ngành nghề, hệ thống đào tạo cũng đang hoàn chỉnh các ngành nghề mới theo hướng công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, digital marketing… Từ đó, ông Tuấn nhấn mạnh, nhận thức về ngành nghề của giới trẻ phải có sự thay đổi lớn mới có thể phát triển trong tương lai. Để chọn được ngành nghề phù hợp, người học phải dựa vào năng lực chính mình thông qua kiểm nghiệm từ các công cụ trắc nghiệm khoa học, cần bình tĩnh tự đánh giá bản thân chứ không nên mù quáng chạy theo xu thế, bởi xu thế không phải với ai cũng phù hợp. “Khi lựa chọn ngành học, các em học sinh đừng nghĩ rằng ngành học càng “hot”, càng có nhu cầu nhân lực cao thì thu nhập sẽ càng lớn và ngược lại, các ngành học truyền thống thì không tạo ra thu nhập. Nhu cầu việc làm của thời kỳ kỷ nguyên số, điều quan trọng nhất vẫn là sự phù hợp ngành nghề của bản thân mỗi người, căn cứ vào chính năng lực, sở trường và nhu cầu thị trường lao động”, ông Tuấn khẳng định.
Đặc biệt, ông Tuấn lưu ý người học rằng càng trong bối cảnh phát triển thì thị trường lao động sẽ càng “khát” nhân lực chất lượng cao, nhân lực có kỹ năng, năng lực. Nếu bản thân người học học ngành đó nhưng năng lực không có thì chắc chắn sẽ bị đào thải. Điều này có ý nghĩa rằng người học khi lựa chọn ngành nghề phải có sự tính toán, cân nhắc đến yếu tố phù hợp. Trong quá trình học phải liên tục bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ thông tin để thích ứng nhanh chóng với đòi hỏi của thị trường. “Nếu ngay từ đầu trong quá trình lựa chọn ngành học, các em vẫn còn quan niệm và nhìn nhận mù mờ rằng cứ ngành học hot, ngành học thời thượng thì ra trường chắc chắn có việc làm, có thu nhập thì rất khó để phát triển, thậm chí là thất nghiệp” ông Tuấn cảnh báo.
Bài, ảnh: Y.Hoa
Bình luận (0)