Cha mẹ không làm gương, thì không thể dạy con. Ảnh chụp cha con cùng xúc động trong buổi lễ Tri ân và trưởng thành tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM). Ảnh: A.Khôi
|
Một lần, vợ chồng tôi dừng xe mua trái cây trên đường Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức, TP.HCM), chỉ một chút lơ đễnh, chúng tôi đã bị kẻ xấu “nẫng” mất cái giỏ xách máng trên ghi đông xe.
Kẻ xấu đó, được mấy người mua hàng cùng lúc tận mắt thấy nói lại, không ai khác chính là một thanh niên cũng đậu xe gần chỗ chúng tôi. Tôi nhớ kỹ vì trên xe anh ta còn hai đứa trẻ xinh xắn, dễ thương. Mất một ít đồ, trong đó có vài vật kỷ niệm, vợ chồng tôi tiếc và cũng giận mình vì mất cảnh giác. Nhưng nghĩ kỹ, chúng tôi lại thấy tiếc cho thanh niên kia hơn, anh ta đã có hành vi sai trái ngay trước mặt con mình. Anh ta có thể vui vẻ hay “tự hào” về hành vi của mình nhưng có khi nào anh ta hối hận hay xấu hổ khi có hành động không tốt trước mặt con mình, để rồi “làm gương” cho chúng một việc làm xấu? Cũng như vậy, tôi không hiểu những người “hôi bia”, “cướp dưa”, “lượm tiền”, “rót nhớt”… trong các vụ việc hôi của đáng xấu hổ thời gian qua sẽ dạy con cái mình như thế nào về tính ngay thẳng, không tham lam, giúp đỡ người hoạn nạn?
Tôi chắc rằng tuyệt đại đa số các bậc làm cha làm mẹ, không ai dạy và cũng chẳng ai muốn con em mình có thói quen trộm cắp, cướp giật hay công nhiên chiếm đoạt tài sản, của cải người khác. Cha mẹ chỉ dạy những điều tốt đẹp, trong đó có ý thức giữ gìn tài sản của mình, đừng để người khác chiếm lấy. (Ngay trong việc này, có lẽ phần đông cha mẹ cũng chỉ dạy con em biết giữ của một cách hòa bình, lịch sự, chứ cũng chẳng ai xúi trẻ dùng bạo lực để lấy lại những thứ mà mình bị người ta lấy mất). Và có một điều hẳn trong chúng ta ai cũng nghĩ đến, giả sử bản thân mình rơi vào tình huống khó khăn tương tự chắc chắn nếu không mong được người khác giúp đỡ thì cũng chẳng mong có ai đó “thừa nước đục thả câu”. Vậy thì điều mình không muốn cớ sao lại làm với người khác?
Trong giáo dục, không gì tốt hơn là làm gương. Những lời dạy suông có thể có tác dụng nhất định nhưng có lẽ khó ăn sâu vào tiềm thức và dễ được tiếp thu để trở thành thói quen một cách thường xuyên, nhuần nhuyễn. Trong gia đình, ông bà, cha mẹ làm gương cho con cháu, anh chị làm gương cho em út; trong cơ quan, thủ trưởng làm gương cho nhân viên; ngoài xã hội, cán bộ công chức làm gương cho nhân dân… Nếu những người đi “hôi” đó làm ông bà, làm cha làm mẹ… thì họ sẽ có thể làm gương cho ai?
Đã không giúp đỡ người khác thì đừng mong được người khác giúp đỡ. Đã “tranh thủ” tước đoạt của người khác thì đừng mong người ta “tha” khi mình gặp khó khăn. Đã không làm gương cho con em thì rồi chúng cũng sẽ có hành vi tương tự… Luật nhân quả rõ ràng trước mắt, ai cũng có thể thấy. Chính điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn trong xã hội: Bản thân không có hành vi tích cực thì sẽ “được nhận” hậu quả tiêu cực, rồi con cháu sẽ lại có hành vi tiêu cực để rồi sẽ gánh lấy hậu quả không tích cực.
Cha mẹ không thể dạy con tốt nếu không làm gương, sự làm gương tích cực, thực sự chứ không phải làm gương theo kiểu hình thức, che đậy. |
Tương tự như vậy là việc xả rác, không xếp hàng, chen lấn, chạy xe vô trật tự, văng tục, vô cảm, lãng phí…, những “vấn nạn” không chỉ bản thân người Việt chúng ta thấy bức xúc mà cả người nước ngoài cũng lắc đầu ngán ngẩm. Mỗi người hãy tự kiểm điểm lại ý thức, hành vi của mình mà điều chỉnh. Như vậy mới có thể dạy con cho tốt. Còn ngược lại, chúng ta “hôi” một ít của người khác thì tương lai sẽ “hôi” tất cả những gì chúng ta có!
Nhìn rộng hơn, trong gần như tất cả mọi việc, cha mẹ không thể dạy con tốt nếu không làm gương, sự làm gương tích cực, thực sự chứ không phải làm gương theo kiểu hình thức, che đậy. Đó là phải nói đi đôi với làm, tức là bản thân nói như thế nào thì làm như thế ấy, đã dạy con trẻ thế nào thì bản thân phải thực hành như vậy. Đó là phải làm đúng, trước hết là đúng với nền nếp của xã hội (của pháp luật, của đạo đức, của tập quán…), sau đó là đúng sự nhận thức của mình (trên cơ sở nền nếp đó) chứ không phải giả tạo. Đó là phải tự mình thể hiện theo các chuẩn mực chung của xã hội và của bản thân, phải tự uốn nắn nếu có sai sót, khuyết điểm, phải răn mình trước khi răn người khác; phải chủ động và mạnh dạn đấu tranh với cái ác, cái xấu, thay vì im lặng, dửng dưng trở nên thỏa hiệp, đồng lõa với nó và dĩ nhiên trở thành “nói một đàng làm một nẻo” trước mắt con trẻ…
Làm gương phải dựa trên nền tảng giáo dục. Tức là người lớn phải tự học, tự giáo dục để không ngừng hoàn thiện mình. Như vậy mới có thể giáo dục con cái có kết quả tốt!
Trúc Giang (Q.3, TP.HCM)
Bình luận (0)