Gia cầm sống không rõ nguồn gốc vẫn bán công khai tại nhiều nơi ở TP.HCM. Ảnh: M.H
|
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vừa có thông báo khẩn về tình hình cúm A(H7N9). Qua đó cho thấy, cúm A(H7N9) bắt đầu ghi nhận từ 31-3-2013, tính đến ngày 13-1-2014 trên thế giới 168 trường hợp mắc, trong đó có 51 trường hợp tử vong… Điều đáng nói là số người mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam (Trung Quốc), gần biên giới Việt Nam.
Nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn
“Nguy cơ xâm nhập các trường hợp cúm A(H7N9) vào Việt Nam là rất lớn”, ông Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã nhận định như thế. Bởi theo ông: “Tình hình dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trở lại. Một số tỉnh có ổ dịch cũ tiếp tục có những ca bệnh mới. Mặt khác, dịch không chỉ xảy ra trong nội địa Trung Quốc mà xuất hiện thêm những ca bệnh ở Hồng Kông, Đài Loan do đi từ các tỉnh có ổ dịch tại Trung Quốc về. Nguy hiểm hơn cả là dịch cũng xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông với 7 trường hợp mắc. Đây là địa bàn có số người Việt Nam đi du lịch, giao lưu thương mại và trao đổi hàng hóa lớn. Vì vậy có thể có những trường hợp người Việt Nam bị mắc cúm A(H7N9) khi sang Trung Quốc”.
Qua điều tra dịch tễ cho thấy, virus cúm A(H7N9) lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên khó khăn trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm. Việc phát hiện virus cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm hiện nay chủ yếu là phát hiện từ mẫu bệnh phẩm được lấy tại các chợ buôn bán gia cầm sống. Việc buôn bán vận chuyển gia cầm giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa được kiểm soát tốt, các hoạt động này tăng lên trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ. Bên cạnh đó là tập tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, điều kiện kinh tế, vệ sinh thấp kém ở một số bộ phận dân cư cũng làm cho việc kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn hơn. Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ chưa được người dân chú trọng, nhu cầu thực phẩm tăng cao làm tăng nguy cơ dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán.
Và hiện nay, Trung Quốc cũng như Việt Nam đang là mùa đông – xuân, điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lan rộng của virus cúm A(H7N9).
Chặn ở cửa khẩu và ngăn ở chợ
Bộ Y tế vừa có công điện số 106/CĐ-BYT gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường công tác phòng chống cúm A(H7N9). Theo đó đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tại cửa khẩu giám sát chặt chẽ các trường hợp người nhập cảnh đi từ vùng dịch vào Việt Nam. Sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa để kịp thời phát hiện hành khách có biểu hiện sốt, nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, tổ chức khám, cách ly và xử lý y tế theo quy định. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các trường hợp bệnh nhân có hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi tại các cơ sở y tế cũng như cộng đồng, đặc biệt lưu ý các trường hợp mới từ vùng dịch trở về, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán; chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh; củng cố đội thường trực cơ động chống dịch để sẵn sàng đi điều tra, xử lý khi có yêu cầu; tổ chức trực dịch 24/24 giờ, trực cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Ngoài ra, Bộ Y tế còn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm A(H7N9) trên các đàn gia cầm. Sở Công thương chủ trì phối hợp với các các sở, ngành tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn chặn và bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép; không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt là các chợ đầu mối.
Về phía người dân, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang lo lắng mà cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh bằng “3 không”: “Không nhập lậu, buôn bán, vận chuyển gia cầm, vật nuôi không rõ nguồn gốc”; “không giết, mổ gia cầm, vật nuôi bị ốm hoặc chết không rõ nguyên nhân”, “không ăn tiết canh, không ăn thịt gia cầm, vật nuôi chưa được chế biến kỹ”.
Hòa Triều
Việt Nam đang đối mặt với nhiều loại cúm gia cầm
Ngoài cúm A(H7N9), Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các loại cúm gia cầm khác như cúm A(H5N1) – năm 2014 ghi nhận 1 trường hợp mắc và tử vong tại Canada. Từ năm 2003, ghi nhận 649 trường hợp mắc, trong đó có 385 trường hợp tử vong, tỷ lệ chết/mắc là 59%. Từ đầu năm 2003 đến nay, nước ta ghi nhận 125 trường hợp mắc, trong đó có 62 trường hợp tử vong. Trên gia cầm, dịch cúm A(H5N1) vẫn ghi nhận tại một số địa phương như Tiền Giang, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Long An… và tiếp tục có nguy cơ xảy ra tại các địa phương trong thời gian tới; cúm A(H1N1) – đang diễn biến theo chiều hướng tăng tại Mỹ; cúm A(H9N2) và cúm H10N8 – ghi nhận 3 trường hợp mắc ở Trung Quốc, trong đó có 1 trường hợp mắc cúm H10N8 tử vong tại Giang Tây, Trung Quốc, bệnh nhân này có tiền sử tới chợ gia cầm sống.
|
Bình luận (0)