Cúm mùa khởi phát từ triệu chứng ho hoặc hắt hơi của người bệnh sẽ phân tán các giọt có chứa virus cúm vào không khí, hoặc lây lan bằng tay bị nhiễm virus; có khả năng lây lan nhanh chóng. Vì thế, người mắc bệnh không thể lơ là…
Các bệnh nhân nhiễm cúm được điều trị cách ly tại Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM |
Bệnh diễn tiến nhanh
Ngày 1-6, một nữ bệnh nhân quê ở Tiền Giang điều trị tại Khoa Nội soi (lầu 5, tòa nhà M, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) phải dừng ca phẫu thuật nội soi cắt tử cung vì xuất hiện những dấu hiệu sốt cao, nhức mỏi cơ. Ngay sau đó, các BS tại đơn vị này phát hiện nhiều trường hợp là bệnh nhân, thân nhân người bệnh, và nhân viên y tế có những triệu chứng tương tự. Nhận thấy diễn biến bất thường, Bệnh viện Từ Dũ đã khẩn trương báo cáo nhanh lên Sở Y tế TP, đồng thời phối hợp cùng Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM, Trung tâm Y tế dự phòng TP nhanh chóng triển khai xét nghiệm PCR cúm cho 16 bệnh nhân và 2 nhân viên y tế của khoa; xét nghiệm tất cả các mẫu bệnh phẩm trong đêm, kết quả: 16/18 mẫu dương tính với cúm A/H1N1 (cúm mùa). Chỉ sau một ngày khởi phát, tại đây đã phát hiện có 28 người có biểu hiện nhiễm cúm, trong đó có 8 nhân viên y tế. Ngay lập tức, Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành cách ly, điều trị và cho uống thuốc dự phòng đối với 83 người có lui tới Khoa Nội soi trong mấy ngày trước đó. Ổ dịch cúm A/H1N1 cũng khiến 37 trường hợp mổ phụ khoa bị hoãn lại.
Theo TS.BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi – Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, từ khi khởi phát ca bệnh đầu tiên, để tránh dịch cúm tiếp tục lây lan, liên tục cho đến nay, bệnh viện thực hiện khử khuẩn toàn bộ khu vực lầu 5 tòa nhà M; tăng cường khử khuẩn cuốn chiếu, xông phun lau khử khuẩn bề mặt, từ giường bệnh đến phun xịt khử khuẩn không khí, làm sạch máy lạnh. Trước đây, công tác khử khuẩn thực hiện 3 lần/ngày thì hiện nay được tăng cường 6 lần/ngày. Ngay cả những khu vực khác như phòng chụp X quang, lối đi nối liền các tòa nhà cũng được khử khuẩn triệt để. Nhờ những biện pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả, cho đến nay hầu hết các bệnh nhân đều đã được xuất viện về nhà và được cơ sở y tế địa phương giám sát hướng dẫn phòng ngừa lây lan tại địa phương.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B gây nên. |
Nhận định về chùm ca bệnh, BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đánh giá, chùm ca bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ diễn tiến nhanh nhưng may mắn các triệu chứng bệnh không phải quá nặng, không có trường hợp sốt cao quá 4 giờ đồng hồ. “Bệnh viện đã nhanh chóng phối hợp kịp thời với Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM để xử lý ngay trong đêm và kiểm soát được tình hình. Cũng may mắn tại khu M này là khu vực phát bệnh không có phụ nữ mang thai. Trong thời gian khoảng 2 tuần tới, y tế dự phòng sẽ cùng bệnh viện tiếp tục giám sát để có đánh giá chính xác diễn tiến tình hình. Ngoài ra, việc giám sát ở cộng đồng cũng sẽ được tăng cường trong thời gian tới” – BS Dũng cho biết.
Khả năng lây nhiễm rất cao
Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Nguyễn Trí Dũng nhấn mạnh: Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với trẻ em chưa được chích ngừa, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, suy hô hấp, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. Đặc biệt, đối với thai phụ có sức đề kháng yếu hơn người bình thường thì khi nhiễm bệnh có thể gây biến chứng dị tật thai nhi đối với thai dưới 12 tuần hoặc biến chứng nặng.
BS Nguyễn Bá Mỹ Nhi khuyến cáo: Bệnh xuất phát từ chủng virus lây truyền qua đường hô hấp, tiếp xúc cơ thể hoặc vật dụng hàng ngày. Do đó, khi mắc bệnh, người bệnh không nhất thiết phải điều trị bằng thuốc mà chỉ cần được chăm sóc điều trị triệu chứng, tăng cường uống vitamin C, nước cam, nước chanh… để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, cần vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, găng tay, hạn chế đến nơi đông người, không dùng chung đồ dùng cá nhân như ly, tách, chén, bát, khăn…với người khác. Để hạn chế lây truyền cúm, bệnh nhân nên che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, rửa tay thật kỹ và đều đặn. Ngoài ra, dịch cúm có thể lây lan nhanh trong nhóm nhân viên y tế, vệ sinh do việc di chuyển từ khu này sang khu khác. Do đó, các nhân viên y tế phải đeo khẩu trang, găng tay trong quá trình thao tác, rửa tay trước và sau khi khám, tiếp xúc với bệnh nhân. BS Nhi nhấn mạnh thêm, để chủ động phòng bệnh, cách tốt nhất là cập nhật và chích ngừa chủng cúm mỗi năm. Đặc biệt cần chủ động chích ngừa cho những đối tượng nguy cơ như trẻ em, người lớn tuổi, người có sức đề kháng yếu, phụ nữ trước khi mang thai, nhân viên y tế…
Bài, ảnh: Thy Dương
Bình luận (0)