Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không lo thiếu chỗ học khi rớt lớp 10 công lập

Tạp Chí Giáo Dục

Với cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng chuyên môn không ngừng được đổi mới, nhiều năm nay, các Trung tâm GDNN-GDTX tại TP.HCM đã có sự chuyển mình “thay da đổi thịt”, nâng chất nâng tầm trong mắt người học. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm lên đến 98%, tỷ lệ đậu vào các trường ĐH luôn đạt ngưỡng 50-70%.


Học sinh TP.HCM không lo thiếu chỗ học khi rớt lớp 10 công lập

Năm nay, ở riêng hệ GDTX và trung cấp nghề, toàn TP.HCM có tới 17.620 chỉ tiêu lớp 10. Đến thời điểm này, theo ghi nhận, số chỉ tiêu vào lớp 10 ở hệ GDTX, Trung cấp nghề còn rất nhiều…

Còn rất nhiều chỉ tiêu

Những ngày này, khi TP.HCM đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, các trung tâm GDNN-GDTX, GDTX tại TP.HCM vẫn tất bật ghi danh học sinh đăng ký học lớp 10 thông qua hình thức trực tuyến. Học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện theo học lớp 10.

Cô Phạm Thị Thuý Nhài (Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Bình) thông tin, năm học 2021-2022, trung tâm tuyển sinh khoảng 400 học sinh lớp 10. Đến thời điểm này đã có 250 học sinh đăng ký. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình tuyển sinh chậm hơn so với mọi năm. Trung tâm tiếp tục ghi danh đến hết ngày 1-9.  

Nhằm tạo điều kiện cho học sinh, cô Nhài cho hay, trung tâm đã xây dựng nhiều hình thức học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực học tập của học sinh. Học sinh có thể chọn học lớp văn hoá hoặc chọn hệ vừa học văn hoá, vừa học miễn phí Trung cấp nghề với các nghề như kế toán, nhà hàng khách sạn, tin học, làm đẹp. Khi tốt nghiệp, học sinh có bằng Trung cấp nghề, vừa có bằng văn hoá; Nếu khó khăn quá, các em có thể lựa chọn học hệ lớp 10 buổi tối.

“Lựa chọn hệ học nào các em cũng có điều kiện tiếp tục theo học ĐH, CĐ và được thầy cô quan tâm, giảng dạy. Trong điều kiện dịch bệnh, trung tâm đã xây dựng nhiều phương án dạy học trực tuyến. Lựa chọn hệ GDTX cũng giảm tải gánh nặng tài chính cho phụ huynh. Chỉ cần các em có nghị lực, xác định hướng đi phù hợp thì ngã rẽ nào cũng giúp các em thành công…”, cô Nhài chia sẻ.

Tương tự, năm nay, Trung tâm GDNN-GDTX Q.10 tuyển sinh 240 chỉ tiêu lớp 10, với đa dạng các hình thức học tập. Hiện tại, trung tâm mới chỉ tuyển được 80 chỉ tiêu. Thầy Trương Bá Hải- Giám đốc Trung tâm cho biết, trước mắt, trung tâm sẽ kéo dài thời gian tuyển sinh đến ngày 31-8, sau đó, nếu học sinh đăng ký học, trung tâm vẫn tạo điều kiện để các em theo học nếu như còn chỉ tiêu…

“Để dạy học trực tuyến trong năm học mới, trung tâm đã lên phương án phù hợp nhất với điều kiện thực tế. Thầy cô được tập huấn các phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến, xây dựng nội dung dạy học. Phương án tiếp cận học sinh khó khăn cũng được đặt ra, học sinh khó khăn được miễn, giảm học phí và vận động tặng thêm dụng cụ học tập, đảm bảo không em nào bị bỏ lại phía sau…”, thầy Hải nói.

Năm học 2021-2022, cùng với hơn 67 ngàn chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập, TP.HCM còn có 45.430 chỉ tiêu lớp 10 tại 122 trường THPT ngoài công lập, Trung tâm GDNN-GDTX, GDTX, trường trung cấp nghề, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn TP. Ở riêng hệ GDTX và trung cấp nghề, toàn TP có tới 17.620 chỉ tiêu. Đến thời điểm này, theo ghi nhận, số chỉ tiêu vào lớp 10 ở hệ GDTX, Trung cấp nghề còn rất nhiều…

Không hề thua kém THPT

Chương trình đào tạo tại hệ GDNN-GDTX hiện gồm 7 môn cơn bản: Toán, Vật lý, Hoá học, Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử và Địa lý. Tại TP.HCM, để phù hợp với điều kiện thực tế và bắt kịp với xu hướng giáo dục, tạo thêm cơ hội để học sinh hệ đào tạo này “rộng cửa” bước vào các trường ĐH, CĐ, đi du học…, nhiều trung tâm GDNN-GDTX còn đưa thêm các môn Tiếng Anh, Tin học, Giáo dục công dân vào chương trình giảng dạy. Ở nhiều trung tâm, Tiếng Anh và Tin học còn được giảng dạy theo chuẩn quốc tế. Các hoạt động giáo dục trải nghiệm cũng được các trung tâm chú trọng, đa dạng, qua nhiều hình thức…, mở ra thêm các sân chơi rèn luyện bổ ích, hướng tới giáo dục toàn diện học sinh.

Lãnh đạo nhiều trung tâm cho biết, không hiếm tình trạng người học đã đậu vào các trường THPT công lập với điểm số đầu vào cao nhưng cuối cùng vẫn lựa chọn học GDTX. Nhiều phụ huynh học sinh khi chưa tìm hiểu về hệ GDTX thì có cái nhìn chưa đầy đủ, cho rằng hệ học này lyếu, kém và khó có cơ hội vào các trường ĐH, CĐ. Tuy nhiên, thực tế nhiều năm nay, từ hệ này, tỷ lệ đậu vào ĐH đang ngày càng tăng.

Thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM cho thấy, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm của học sinh GDTX lên đến gần 95%, ở nhiều đơn vị như Trung tâm GDNN-GDTX Q.10, Trung tâm GDNN-GDTX Q.12, Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Phú, Trung tâm GDNN-GDTX Q.Tân Bình, Trung tâm GDTX Chu Văn An, tỷ lệ này còn đến 98%- 100%, tương đương và thậm chí hơn tỷ lệ tốt nghiệp ở nhiều trường THPT.

Tỷ lệ đậu vào ĐH tại nhiều trung tâm dao động từ 50%- 70%, nhiều em còn đậu vào những trường ĐH lớn như ĐH Y Dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sư Phạm TP.HCM, ĐH Bách khoa TP.HCM…

Có sự “chuyển mình” này, phần nhiều đến từ sự “thay da đổi thịt” từ chính các trung tâm để nâng chất, nâng tầm trong mắt người học bằng sự đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động giảng dạy để thích nghi với làn sóng đổi mới giáo dục, và tiệm cận với Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX tại TP.HCM đều có sự đầu tư về cơ sở vật chất, chú trọng môi trường giáo dục, song song với việc mạnh dạn đổi mới về phương pháp giảng dạy, “phá vỡ” những lề lối cũ kỹ, từng bước thay đổi cách nhìn của xã hội.

“Nếu như ngày trước có thể quan điểm học sinh học GDTX là cá biệt thì bây giờ, các em học tại trung tâm GDTX, GDNN-GDTX đã được học tập, rèn luyện, được trang bị các kỹ năng trong một môi trường giáo dục không thua kém THPT…”, thầy Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm GDTX Chu Văn An, chia sẻ.

Một điểm mạnh của hệ đào tạo GDTX là song song với dạy văn hoá, các trung tâm còn kết nối, liên kết với các trường TC đào tạo nghề chất lượng cao miễn phí cho học sinh. Các nghề đào tạo đều phù hợp với nhu cầu lao động và đòi hỏi của thị trường như điện tử, điện lạnh, sửa chữa ô tô, kỹ thuật nấu ăn, làm bánh, may công nghiệp, làm đẹp… Học sinh tốt nghiệp ra trường vừa có bằng văn hoá, vừa có bằng TC nghề, hoàn toàn có thể “tự tin” gia nhập thị trường lao động hoặc lựa chọn hướng học tiếp lên ĐH, CĐ.

“Cơ hội học tập, việc làm của học sinh học trung tâm GDNN-GDTX, GDTX là tương đương với hệ THPT. Nếu sau tốt nghiệp các em đi làm luôn thì cơ hội việc làm thậm chí còn rộng mở hơn cả các bạn học THPT”, thầy Hoàng nói thêm.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)