Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không mặn mà trường “quốc tế”

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày càng nhiều học sinh ở các trường mang danh nghĩa “quốc tế” tại TPHCM xin chuyển về trường công lập. Các trường công lập thì muốn “né”, vì cho là số học sinh này có vấn đề về học lực
Chúng tôi đến Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3) hai tuần sau ngày tựu trường. Trên bàn làm việc của ban giám hiệu là hàng chồng sách, vở học sinh. Ông Nguyễn Đạt Sử, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đây là sách, vở của 10 học sinh của một trường tiểu học dân lập “quốc tế” chuyển về, trường mượn để theo dõi. Bên cạnh chồng sách, vở đó là đơn của phụ huynh học sinh Công Danh xin cho con học lại lớp 1.
Do học phí liên tục tăng
Cũng như lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận 5, quận Gò Vấp…, ông Đinh Thiện Căn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 1, cho biết trong các đơn xin chuyển từ trường “quốc tế” về trường công, hầu hết phụ huynh đều đưa ra lý do vì gia đình không thể kham nổi mức học phí tăng chóng mặt hằng năm.
Anh Nguyễn Quốc Việt, phụ huynh của học sinh Nguyễn Phương Mai Yến vừa chuyển từ Trường Tiểu học dân lập Quốc tế về Trường Tiểu học Lương Định Của, cho biết lý do anh chuyển con về trường công lập vì mức học phí ở trường cũ cứ tăng hằng năm. Cụ thể, ở lớp 1, lớp 2, mức thu chưa phải là nhiều nhưng càng lên cao càng tăng nên sợ sau này không kham nổi.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Một phụ huynh khác cũng có con từng học ở trường “quốc tế” cho biết mức học phí lớp 1 khoảng 2 triệu đồng/tháng nhưng năm sau tăng lên từ 20% đến 40%; lên lớp 4 khoảng hơn 4 triệu đồng và ở bậc THCS thì học phí vọt lên đến trên 10 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận 1, năm ngoái có trên 70 trường hợp học sinh chuyển từ các trường “quốc tế” về học trường công lập, trong đó phần lớn là học sinh tiểu học. Năm nay, quận nhận chuyển trường ít hơn vì các trường không còn chỗ. Tại quận 5, quận Gò Vấp…, tình hình cũng tương tự.
Nhiều lỗ hổng kiến thức
Có phải không kham nổi học phí là nguyên nhân chính khiến ngày càng có nhiều học sinh từ các trường “quốc tế” về trường công lập? 
Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Định Của, cho biết cứ 10 học sinh chuyển từ các trường “quốc tế” về thì có đến 7 trường hợp có vấn đề về học lực. “Theo học bạ chuyển về, có cháu được lên lớp 2 nhưng kiểm tra thì không đạt, phải học lại lớp 1”. Ông Nguyễn Đạt Sử nói thêm rằng học sinh tiểu học cần được giáo dục biết tiết kiệm nhưng những học sinh này bỏ trắng trang giấy trong cuốn tập quá nhiều, rất lãng phí.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, thẳng thắn cho rằng với quan niệm vừa học vừa chơi nên chất lượng học sinh ở các trường “quốc tế” không thể bằng học sinh trường công lập. Vì chất lượng không bằng nên các trường công không muốn nhận học sinh chuyển từ trường “quốc tế” về. Lớp nào có học sinh chuyển về, ở đó giáo viên rất vất vả để kèm cặp. 
Bà Võ Ngọc Thu, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 5, nhận xét thêm rằng khả năng tiếng Anh của các học sinh chuyển từ trường “quốc tế” về nhìn chung là khá nhưng tiếng Việt thì rất kém. Nhiều em học lớp 4 rồi mà thường xuyên viết sai lỗi chính tả. “Với học sinh THCS, các trường không muốn nhận vì rất khó khắc phục những lỗ hổng kiến thức từ những lớp dưới” – bà Thu khẳng định.
Gây khó để giữ học sinh
Xu hướng chuyển con từ trường “quốc tế” về học trường công đã tăng nhanh trong mấy năm qua, đặc biệt là với học sinh lớp 6. Một giáo viên đang dạy tại một trường “quốc tế” kể do biết tâm lý này của phụ huynh nên ở trường ông dạy thường chấm điểm cuối năm học lớp 5 rất thấp, em nào cao nhất chỉ được tổng hai môn văn và toán là 16 điểm. Cho thấp như vậy để gây khó khăn cho việc xét tuyển vào các trường công. Điều này, rất phản giáo dục nên nhiều trường hợp đã bị phụ huynh phản ứng.
Trường hợp con trai ông Nguyễn Chín, một doanh nhân làm ở ngành ngân hàng, là như vậy. Sau khi ông Chín rất khó khăn mới rút được hồ sơ thì trường “quốc tế” nơi con ông đã học liên tục gọi điện thoại “hỏi thăm” có xin được trường công hay không, nếu không, cứ quay lại trường cũ và họ sẵn sàng nhận lại.
Ngoài chuyện cho điểm rất thấp, không ít trường “quốc tế” còn tìm đủ mọi cách để gây khó khăn trong việc rút và làm các thủ tục chuyển trường. Bà Chung Kim (ngụ quận 1), có con học lớp 7 ở một trường “quốc tế”, cho biết khi làm hồ sơ chuyển trường cho con, bà phải đi lại không biết bao nhiêu lần để làm thủ tục.
“Họ cố tình tạo ra sai sót trong thủ tục để kéo dài thời gian trả hồ sơ cho phụ huynh. Ví dụ như thiếu mã hồ sơ học sinh, thiếu xác nhận của hiệu trưởng ở phần nhận xét của giáo viên chủ nhiệm, thiếu điểm môn tin học, thiếu giấy chuyển trường… Nói chung là đủ thứ lý do”- bà Kim không giấu nổi bực bội.
Trẻ thụ động như “gà công nghiệp”!
Ông Nguyễn Chánh, một doanh nhân ngành ô tô, vừa chuyển 2 đứa con từ một trường “quốc tế” về trường công lập. Đứa con trai lớn năm nay lớp 6, ông Chánh cho biết đã đưa về học ở Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) với lý do để cháu phát triển toàn diện hơn chứ tiếng Anh chỉ là công cụ.
Ông Chánh nói rằng kiểu dạy như trường “quốc tế” nơi con ông học làm trẻ thụ động như “gà công nghiệp” lại chiếm rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến các chương trình học thêm của cháu. Đưa ra trường công, với chương trình Cambridge, học thêm tiếng Nhật với giáo viên bản ngữ, con ông hoàn toàn có môi trường học như ở trường “quốc tế”, chi phí lại thấp hơn nhiều.
Đứa con thứ hai của ông Chánh chuyển về Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1), học lớp 3. Ông Chánh nói con ông về đây học chương trình Cambridge, bán trú, quan trọng nữa là gia đình chủ động được các chương trình học thêm.
“Tôi đưa con trở lại trường công sau khi xong chương trình tiểu học ở trường “quốc tế” vì khi đó các cháu đã có căn bản về tiếng Anh nên cần đến học lực về văn hóa. Tập trung học văn hóa ở thời điểm tiếp theo là hết sức quyết định cho học lực sau này” – ông Chánh quả quyết và cho biết thêm là trường học cũ của con ông học chỉ chạy theo lợi nhuận, rất ít quan tâm dạy đạo đức.
Cũng vì lợi nhuận nên trường không dám tuyển nhiều giáo viên dạy giỏi khiến cho chất lượng dạy văn hóa không cao.
Theo HUY LÂN
(NLD)

Bình luận (0)