Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không nên ăn hoa quả trái mùa

Tạp Chí Giáo Dục

Theo TS Vũ Mạnh Hải, phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các loại hoa quả trái mùa đều được bảo quản bằng hoá chất hoặc điều kiện nhiệt độ phù hợp.

Nhưng thực tế, lượng vitamin dồi dào trong hoa quả đã bị mất đi do nhiều nguyên nhân như thu hái sớm, bảo quản bằng hoá chất trong thời gian dài.

Chưa kể, một số loại hoa quả trong quá trình bảo quản bằng thuốc còn phát sinh ra những vi sinh vật có hại mà khi vào cơ thể người sẽ sinh ra các loại bệnh khác nhau. Do đó, tốt nhất là nên theo phương châm mùa nào thức nấy, tránh ăn hoa quả trái mùa.

Sau khi thu hái, vi sinh vật có hại xâm nhập vào hoa quả thông qua phần núm, cuống dẫn đến quả nhanh bị thối rữa. Để kéo dài thêm thời gian sử dụng, kinh nghiệm trước đây là bôi vôi vào núm quả. Nhưng hiện nay, người trồng và buôn bán hoa quả đều sử dụng hóa chất phun hoặc ngâm các loại hoa quả để kéo dài thời gian tươi nguyên. Đó cũng chính là lý do vì sao trái mùa nhưng vẫn có rất nhiều loại hoa quả được bày bán.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, các loại quả như: cam, quít, táo, lê… được bọc trong các túi nilon, quá trình vận chuyển và bày bán, các quả này hấp hơi đọng nước vào bề mặt túi, khiến cho các chất độc từ túi đựng bám vào vỏ và sau đó ngấm vào ruột quả.

Khi chọn mua quả chú ý chọn những loại nhìn bên ngoài hơi bóng hoặc có lông, có mùi thơm của quả, còn nguyên cuống, cành lá, nếu bị ngâm hoá chất độc hại thì cuống và lá sẽ rụng. Theo nguyên lý, quả càng chín thì vỏ phải càng mềm do đó, chọn lê, táo, nếu vỏ ngoài xỉn màu, cứng, cuống trắng là đã bị ngâm chất bảo quản. 

Theo Khoa học và Đời sống

Bình luận (0)