Đó là ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn khi thảo luận ở tổ về đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục giai đoạn 2009-2014, diễn ra ngày 3-6. Nhiều đại biểu cho rằng đây không phải là đề án đổi mới cơ chế tài chính mà đơn thuần chỉ là đổi mới học phí.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng: “Chính sách giáo dục đang gây lãng phí giáo dục rất lớn” – Ảnh: V.Dũng
|
Do chi giáo dục (GD) rất lớn, nhiều đại biểu đề nghị Bộ GD-ĐT phải công khai thu chi tài chính trong GD… Đặc biệt, nhiều ý kiến cho rằng không nên áp dụng mức học phí mới trong năm 2009.
Tiền ít nên phải… xoay
Là hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết: “Chúng tôi được thu mỗi học sinh 30.000 đồng/ tháng cho học phí, 30.000 đồng/ năm cho cơ sở vật chất và nguồn thu từ ngân sách, nhưng khoản này dành đến 80% chi cho lương. Trong khi phải chi: vật tư trang bị dạy học, sửa chữa nâng cấp mua sắm cơ sở vật chất, tiền điện nước, ngoại khóa, hướng nghiệp, kỹ năng sống cho học sinh…”.
Tiền ít như vậy nên theo bà Cúc, nhà trường phải xoay bằng cách chọn thiết bị giá vừa phải, phòng chức năng cũng hạn chế, giáo viên muốn đến phải đăng ký. Còn hoạt động ngoại khóa phải nhờ phụ huynh. Vì vậy, bà Cúc đồng ý chủ trương phải điều chỉnh học phí để nâng cao chất lượng GD. Tuy nhiên, để đề án thật sự giúp nhà trường, bà Cúc đề nghị phải có quy chế cụ thể cho các cơ sở GD được tự chủ cao hơn về tài chính và tuyển dụng nhân sự.
Chia sẻ khó khăn của ngành GD, đại biểu Nguyễn Việt Dũng (TP.HCM) cho rằng người dân tham gia với Nhà nước về học phí là cần thiết nhưng tăng bao nhiêu thì nên tính toán thêm. Theo ông Dũng, hiện chênh lệch thu nhập giữa các bộ phận dân cư trong một vùng có thể rất lớn. Nếu lấy thu nhập của khu vực người rất giàu trong một TP cộng với thu nhập của những người nghèo chia bình quân rồi thu học phí 6% sẽ gây khó khăn rất lớn cho người nghèo.
Về tính toán của đề án nói thực chi của một gia đình cho GD, theo ông Dũng, là rất thấp so với thực tế. Ngoài ra, trước khi tăng học phí, ông Dũng cho rằng cần nhận biết hiện chính sách GD đang gây lãng phí xã hội rất lớn. Sách giáo khoa hay thay đổi là một ví dụ. Bên cạnh đó, ông Dũng nhấn mạnh nội dung chương trình cũng gây lãng phí, càng cải cách càng lãng phí.
Phải minh bạch trong chi tiêu
Trong khi đó, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) khẳng định chưa có ngành nào được chi nhiều và tăng nhanh như GD: từ năm 1990 đến nay đầu tư cho GD ở VN đã tăng 40 lần, năm 2008 đã đạt con số 4,8 tỉ USD. Ông Lịch băn khoăn đầu tư tăng như vậy nhưng kết quả đạt thế nào? Theo ông Lịch, nhiều ý kiến trong đó có cả các chuyên gia trong ngành GD cho rằng phải xem xét lại đầu tư trong GD vì còn nhiều lãng phí, nếu tiếp tục tăng chi lại càng sinh lãng phí. Yếu tố công khai minh bạch trong chi tiêu GD đang bị kêu rất nhiều, vì vậy cần phải tập trung vào đây để giám sát.
Theo ông Lịch, việc Bộ GD-ĐT chưa tổng kết việc xã hội hóa đã điều chỉnh học phí là không nên. “Thế giới chưa nước nào cho lập trường đại học như một công ty cổ phần, các thành viên cuối năm được chia cổ tức, nhưng VN lại có” – ông Lịch cho hay. Vì vậy, ông đề nghị khi Quốc hội ra nghị quyết thông qua đề án đổi mới tài chính GD thì phải yêu cầu Chính phủ hoàn thiện chiến lược GD, trong đó phải hoàn thiện cơ chế tài chính GD.
Đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đồng ý cần đổi mới cơ chế tài chính trong GD nhưng cho rằng đề án mà Chính phủ trình Quốc hội đưa ra những mục tiêu quá chung. “Trên mục tiêu tổng quát phải đặt ra mục tiêu cụ thể, sau đó mới có thể kiểm điểm xem đề án có đạt những mục tiêu đó không. Hiện mục tiêu chung chung như thế sau này rất khó đánh giá, nói thành công cũng được, không thành công cũng xong”. Ông Mã Điền Cư cũng cho rằng chi ngân sách cho giáo dục rất lớn, không có giám sát không được.
Chưa nên thông qua đề án
Bên cạnh các ý kiến phân vân, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt thẳng vấn đề chưa nên thông qua đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GD. Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết qua thảo luận vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về thời điểm áp dụng mức học phí mới, có nên đưa ra trong năm 2009 hay chuyển qua năm 2010 mới bắt đầu? Ông Huỳnh Ngọc Sơn nói quan điểm của ông là không nên áp dụng học phí mới ngay từ năm 2009 vì trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực kích cầu, giảm thuế… thì tăng học phí là không hay.
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (bí thư Thành ủy Đà Nẵng) nói đề án “chưa chín muồi”. Theo ông Thanh, cùng với việc tăng học phí thì ngành GD phải trả lời được hai câu hỏi cơ bản là có tăng chất lượng hay không, và con em của người dân có còn phải học thêm tràn lan? Ông Thanh cho rằng một số vấn đề liên quan đến ngành GD trong nhiều năm qua “không sửa thì trì trệ mà sửa thì rối”.
Sẽ cố gắng nâng chất lượng
Tham gia cung cấp thông tin ở phiên họp tổ tại đoàn TP.HCM và Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết:
– Đúng là trên phạm vi cả nước không có cơ quan nào tổng hợp để đánh giá chung tình hình chi trong GD nên cần có cơ quan theo dõi, đánh giá tổng thể từ phân bổ đến sử dụng. Một số đại biểu nói tám bất cập được nêu nhưng giải pháp chỉ nghiêng về học phí là đúng. Điều này là do nhiều nội dung bất cập đã được Bộ GD-ĐT triển khai khắc phục. Như công khai và kiểm tra chi trong GD, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư yêu cầu các trường đại học ba công khai và bốn kiểm tra, trong đó quy định các trường phải công khai các nguồn lực, sử dụng tài chính. Cơ quan nhà nước được quyền kiểm tra thu và sử dụng học phí…
Về yêu cầu phải tăng chất lượng, đúng là không thể bắt dân đóng học phí ngay mà chất lượng 5-10 năm sau mới cải thiện. Nhưng chất lượng không thể thay đổi ngày một ngày hai nên chúng tôi cố gắng nâng chất lượng nhưng không thể hứa vì như thế dễ thành nói dối.
C.V.KÌNH
|
CẦM VĂN KÌNH – VÕ VĂN THÀNH (TTO)
Bình luận (0)