Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Không nên căn cứ vào tỷ lệ chọi để thay đổi NV

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 5 đến 126 là thời gian học sinh khối 9 thay đổi nguyện vọng tuyển sinh 10. Đây cũng được xem như là cơ hội cuối cùng để học sinh khối 9 một lần nữa nhìn nhận và lựa chọn môi trường học tập phù hợp nhất với năng lực bản thân, điều kiện gia đình.

Học sinh Trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) tìm hiểu về chương trình du học sau THCS

Trong Chương trình Tuyển sinh Hướng nghiệp học sinh sau THCS lần thứ 5 năm học 2019-2020 do Báo Giáo Dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tại các trường THCS tại TP.HCM, các chuyên gia đã đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho học sinh, phụ huynh xoay quanh việc điều chỉnh nguyện vọng, chỉ tiêu và điểm chuyển tuyển sinh 10 năm 2020.

Chỉ nên điều chỉnh NV2, NV3

Ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố số liệu NV1 đăng ký vào các trường THPT công lập tại TP.HCM, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết phân tích về mức điểm chuẩn, về chỉ tiêu, tỷ lệ chọi. Ông Dương Thành Tài (Chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) lưu ý, phụ huynh và học sinh chỉ nên căn cứ vào 2 mức số liệu để điều chỉnh nguyện vọng cho kỳ tuyển sinh 10, bao gồm: Điểm chuẩn tuyển sinh của các trường THPT công lập một vài năm trước; số liệu đăng ký NV1 vào các trường THPT công lập mà Sở vừa công bố. “Các số liệu so sánh, phân tích ở các nguồn khác không chính thống và cũng không phải do Sở công bố, phụ huynh học sinh chỉ nên lấy làm căn cứ để tham khảo, nghiên cứu chứ không quá phụ thuộc để điều chỉnh nguyện vọng”, ông Tài nhấn mạnh.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng, khi Sở công bố số liệu VN1, số liệu mà phụ huynh, học sinh nhìn thấy chỉ phản ánh được con số NV1 chứ không phản ánh đầy đủ, chính xác tỷ lệ chọi vào trường bởi sẽ còn NV2, NV3. “Việc có nên thay đổi nguyện vọng hay không không phải chỉ căn cứ vào tỷ lệ chọi NV1 mà cần phải nhìn thẳng vào năng lực bản thân học sinh. Nhìn nhận rằng bản thân các em có tự tin hay không. Nếu đã tự tin thì tỷ lệ chọi như thế nào cũng không quan trọng mà cần phải kiên định vào lựa chọn của mình, còn nếu không có sự tự tin vào lựa chọn của mình thì cần phải có thêm sự tư vấn của thầy cô, ba mẹ. Đừng lấy số liệu NV1 Sở công bố để làm áp lực cho bản thân”.

Với câu chuyện khi nào thì cần thay đổi nguyện vọng, thầy Phạm Phương Bình (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân) nhìn nhận, trước hết bản thân mỗi học sinh cần phải trả lời lại câu hỏi hỏi rằng mình đã chọn trường phù hợp với năng lực hay chưa. Nếu không đánh giá đúng năng lực bản thân thì sẽ dễ dẫn đến chọn sai nguyện vọng. “Nhiều bạn lực học giỏi nhưng lại không đủ tự tin để đăng ký vào những trường top trên, trường mình yêu thích mà lại đăng ký vào những trường top dưới. Sau khi có điểm tuyển sinh rồi thì cũng không thể đổi được, dẫn đến việc tiếc nuối, học tập không đạt hiệu quả cao. Hãy thử sức bằng việc làm thử các đề tuyển sinh những năm trước để xem rằng năng lực bản thân mình đến đâu. Điều này cũng sẽ giúp các em nhìn nhận một cách khách quan năng lực bản thân dựa trên mặt bằng chung nhất chứ không phải chỉ là từ các bài kiểm tra trên lớp”.

Đông đảo học sinh khối 9 Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.Thủ Đức) lắng nghe tư vấn về chương trình Tuyển sinh- Hướng nghiệp sau THCS

Theo thầy Bình, việc điều chỉnh nguyện vọng chỉ nên thực hiện sau khi đánh giá lại năng lực bản thân chưa có sự phù hợp chứ không nên thay đổi một cách tùy tiện dựa vào “bề nổi” của các con số. “Nếu muốn thay đổi, các em hãy tính toán, cân nhắc thay đổi NV2, NV3 để tìm một môi trường, một tấm vé an toàn nhất. Còn NV1 hãy cứ tự tin, mạnh dạn kiên định vào lựa chọn, ước mơ của bản thân mình và cố gắng học tập”.

Chỉ tiêu tăng, điểm chuẩn có thể sẽ biến động

Phân tích về số liệu tuyển sinh 10 năm, thầy Phạm Phương Bình cho rằng điểm chuẩn có thể sẽ không biến động nhiều do năm học 2020-2021 các trường THPT công lập toàn thành phố tăng ít chỉ tiêu, không có thêm trường xây mới. “Chỉ ở những trường chỉ tiêu biến động mạnh thì điểm chuẩn mới biến động theo. Ví dụ như tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, năm nay nhà trường tuyển sinh đến 20 lớp 10, tăng 5 lớp so với năm ngoái. Như vậy, xét một cách cơ học, chắc chắn mức điểm chuẩn vào trường năm nay sẽ ít nhiều phải biến động theo, cụ thể là có thể giảm xuống”.

Ngoài ra, thầy Bình cũng cho biết, điểm chuẩn tăng hay giảm còn phải phụ thuộc vào đề thi, khả năng làm bài thi của thí sinh cũng như tỷ lệ thí sinh đăng ký vào trường. Tương tự, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Đức) khẳng định, điểm tuyển sinh 10 sẽ lấy theo nguyên tắc từ điểm cao xuống điểm thấp. Do vậy, mức điểm chuẩn vào từng trường biến động như thế nào phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đề thi, điểm số thí sinh đạt được, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào trường, chỉ tiêu của trường. “Trong nhiều năm nay, hầu như mức điểm chuẩn ở những trường top đều giữ ở mức ổn định. Các em không nên cho rằng do ảnh hưởng của dịch bệnh mà điểm chuẩn giảm xuống”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, việc điểm chuẩn tuyển sinh 10 tăng hay giảm lại phụ thuộc chính vào điểm thi tuyển của mỗi thí sinh. “Thời điểm này, điểm chuẩn tuyển sinh không phải là điều mà học sinh khối 9 nên quan tâm. Điều các em cần quan tâm đó là sự học của mình như thế nào. Hãy tập trung vào việc học, chú trọng ôn tập những kiến thức mình yếu. Các em có thể tham khảo điểm chuẩn vào trường các năm về trước vì năm nay hầu như các trường đều giữ ổn định chỉ tiêu”.

Đậu TS 10 không phải là con đường duy nhất

Chia sẻ về các hướng đi sau THCS, ông Dương Thành Tài thông tin, sau tốt nghiệp THCS, học sinh khối 9 sẽ có 2 hướng để lựa chọn: Học văn hóa và học nghề. Trong đó, học văn hóa sẽ không chỉ có học tiếp lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn TP mà còn có học tại Trung tâm GDNN- GDTX, học các trường dân lập, quốc tế, du học; Học nghề bao gồm học tại các trường TC, CĐ hay đào tạo nghề ngắn hạn. “Tùy theo điều kiện cụ thể của gia đình, năng lực học tập của con mà phụ huynh quyết định chọn những môi trường phù hợp. Học văn hóa hay học nghề, mỗi hướng đi đều có những điểm tối ưu riêng. Con đường nào phù hợp với con sẽ là con đường tốt nhất”.

Một lưu ý mà ông Khoa đưa ra cho phụ huynh, học sinh khi đăng ký nguyện vọng là không nên chọn cả 3 nguyện vọng vào cùng một trường. Bởi như vậy, nếu rớt NV1 thì sẽ rớt luôn NV2, NV3. “Phụ huynh, học sinh cũng nên tính toán không nên chọn NV2, NV3 quá xa mà nên cân đối để đảm bảo khả năng theo học của bản thân mình”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)