Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không nên chỉ học vì bằng cấp

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay với sự hình thành các trường THPT công lập cũng như ngoài công lập nên phần lớn HS sau khi tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên. Sau khi tốt nghiệp THPT các em lại đổ xô đi dự thi ĐH khiến công tác phân luồng của chúng ta gặp bất cập.
Tất cả HS THPT của chúng ta đều chỉ có một con đường. Học hết THCS lên học THPT rồi lên ĐH, CĐ. Vì vậy việc phân luồng cần phải được thực hiện ngay sau khi HS tốt nghiệp THCS. Ở các nước có nền giáo dục phát triển thì sau THCS sẽ phát triển theo hai nhánh: Một là nhánh học THPT có tích hợp dạy nghề và nhánh còn lại là học THPT truyền thống.
Thực trạng hiện nay là chúng ta mở ra đào tạo vừa học văn hóa, vừa học nghề tại các trường TCCN (dành cho HS tốt nghiệp THCS) nhưng vẫn không có người học. Điều này cho thấy Nhà nước chưa đầu tư đúng mức đối với hướng đào tạo này. Đầu tư ở đây không phải chỉ cơ sở vật chất mà còn có các chính sách phù hợp để khuyến khích người học. Kế đến, điều bất cập nhất của chúng ta hiện nay đó chính là xu hướng chạy theo bằng cấp của xã hội. Các em không muốn phân luồng đi theo hướng học nghề bởi người ta vẫn chuộng bằng tốt nghiệp THPT hơn và lên bậc cao hơn thì lại tham vọng kiếm tấm bằng ĐH bằng mọi giá. Nếu việc học tập này là lấy kiến thức để làm việc thì chúng ta hoàn toàn ủng hộ nhưng ở đây không ít người học chỉ để lấy cái bằng với những mục đích và động cơ riêng.
Do đó muốn thực hiện tốt công tác phân luồng thì điều quan trọng đầu tiên là xã hội phải thay đổi cách quan niệm về bằng cấp. Cần phải xác định học để lấy kiến thức để có thể làm việc kiếm sống chứ không nên suy nghĩ là chỉ nhằm lấy tấm bằng. Bên cạnh đó cũng phải nhận thức được rằng những em đi học nghề sớm hoàn toàn có cơ hội học lên ĐH, CĐ bằng hình thức đào tạo cởi mở như liên thông, từ xa, vừa học vừa làm…
Chúng ta phải xác định lộ trình đi trước mới bàn đến câu chuyện thay đổi chương trình, SGK. Chỉ khi chúng ta xác định phát triển giáo dục phổ thông theo hướng nào thì lúc đó mới bàn đến chuyện xây dựng chương trình, thay đổi lại SGK… Chẳng hạn như, nếu phân luồng HS sau THCS như tôi đã nói ở trên thì đồng nghĩa cần phải có hai chương trình giảng dạy khác nhau. Phải xác định là những HS theo hướng phân luồng học nghề sớm cần phải học thêm cả kiến thức văn hóa nhưng không thể giống như chương trình truyền thống được.
Xã hội ta đang quá chú trọng về bằng cấp cho nên giáo dục của chúng ta đang chạy theo bằng cấp. Vì vậy muốn thay đổi toàn bộ để nền giáo dục tiến lên thì phải giải quyết vấn đề học không vì bằng cấp.
PGS. Văn Như Cương
N.Huê (ghi)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)