Stress cũng là một nguyên nhân gây ra căn bệnh cường giáp cho phụ nữ. Ảnh: M.N |
Basedow được coi là căn bệnh cường giáp ở mức độ nặng. Chính vì thế, bệnh nhân không được chủ quan, cần theo dõi sớm để được chữa trị kịp thời. Có như vậy mới tránh được nguy cơ bệnh tim mạch khi tuổi về già.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ
Trong thời gian chị Lê Thị N. mang thai lần thứ 2, anh Lê Đức D. nhà ở đường Nguyễn Xí, P.24, Q.Bình Thạnh thường nghe vợ than hay nhức đầu, đôi lúc bứt rứt rất khó chịu. Không chỉ ít ngủ hơn trước đây thỉnh thoảng chị N. còn bị nóng sốt do thân nhiệt tăng, hai tay đôi lúc run lẩy bẩy khi cầm một vật gì đó.
Lúc đầu, anh D. tưởng đó là chuyện bình thường của mấy bà bầu nhưng sau khi phát hiện thêm triệu chứng bất thường ở cổ chị N. anh càng lo hơn vì có một vài người thân và bạn bè khẳng định bệnh nhân bị bướu giáp. Được chồng động viên, chị N. quyết định đi khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định để tìm ra nguyên nhân. Tại đây sau khi thăm khám, các BS Khoa nội tiết chẩn đoán chị bị bệnh Basedow – một loại bệnh rối loạn nội tiết thường được gọi là cường giáp. Theo BS. Nguyễn Tân Phú – Khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) thì: “Ở Việt Nam, người ta thường gọi Basedow là bệnh bướu cổ lồi mắt. Để đánh giá chính xác mức độ của bệnh, các BS phải làm một số xét nghiệm chuyên biệt mà cơ bản nhất là xét nghiệm định lượng học – môn tuyến giáp. Nếu chẩn đoán vẫn gặp khó khăn thì phải chụp hình tuyến giáp cho bệnh nhân”.
Theo thống kê, Basedow có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là từ độ tuổi 20 đến 40 và nghiêng về chị em phụ nữ nhiều hơn. Đây là căn bệnh ít gặp ở nam giới, nếu có thì tỷ lệ cũng rất thấp. Hiện nay, do áp lực công việc thường xuyên đè nặng nên stress cũng là một nguyên nhân gây ra căn bệnh cường giáp, nhất là đối với nhân viên nữ.
Cẩn thận với tuyến cận giáp
Không chỉ có các triệu chứng như mệt mỏi, khó ngủ và sụt ký, bệnh Basedow còn âm thầm sinh ra triệu chứng về tim mạch. Nhịp tim nhanh, các mạch máu đập mạnh ngay cả lúc nghỉ ngơi không còn lao động nữa nên dễ làm cho người bệnh khó thở, ngộp hơi. Bướu giáp của các bệnh nhân Basedow thường lên tới độ 2, mật độ mềm và bắt đầu lan tỏa. Đối với nam giới có hiện tượng vú lồi to, giảm khả năng sinh hoạt tình dục. Còn ở phụ nữ thì kinh nguyệt trồi sụt không đều dễ bị vô sinh hoặc khó có thai.
Để làm giảm tình trạng cường giáp các BS thường dùng phương pháp điều trị nội khoa mà tiêu biểu nhất là thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. Đây là thuốc có tác dụng ức chế hữu cơ hóa iode một tác nhân gây ra bệnh Basedow như chị N. đã điều trị tại bệnh viện. Nếu bệnh nhẹ do được phát hiện sớm thì triệu chứng cường giáp giảm nhanh ở 2 tuần đầu và có hiệu quả tốt sau 1 tháng chữa trị nội khoa. Do phát hiện trễ và chủ quan nên bà Lê Thị D. (58 tuổi ở đường Trần Não, Q.2) đã có bướu đa nhân, chìm sâu trong lồng ngực. Sau một thời gian điều trị phẫu thuật theo chỉ định của BS, sức khỏe của bà D. mới được phục hồi. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của BS, sau 2 tháng tái khám bà D. lại bị suy giáp vì không còn tuyến cận giáp. Mặc dù đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng vẫn có một vài bệnh nhân bị mắc phải. “Khi đã mất tuyến cận giáp thì không thể có cách nào điều trị được mà phải sống chung với nó suốt đời. Cách khắc phục duy nhất là hàng ngày sau khi ngủ dậy phải uống 1 viên thuốc Berlthyrox 100. Nếu bệnh nhân không nhớ uống thuốc thường xuyên thì trị số TSH sẽ tăng quá mức bình thường (0,2-4,2/ Cobas 6000), và lúc đó, có nguy cơ cao về bệnh tim mạch” – BS. Trịnh Minh Tranh – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực – Mạch máu (Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cảnh báo.
Hương Thủy
Bình luận (0)