Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Không nên đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng

Tạp Chí Giáo Dục

"Sai sót trong việc thành lập nhiều trường đại học dân lập vừa qua là trách nhiệm của bộ trưởng, đẩy lên Thủ tướng là không đúng, không công bằng", Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chiều 30/10 tại Quốc hội.

Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi, trước bức xúc của đại biểu về việc thành lập quá nhiều trường đại học dân lập, trong đó có ĐH như Phan Thiết chất lượng kém, ông Nhân đã chỉ ra 5 nguyên nhân. Thứ nhất là việc thẩm tra cho phép thành lập trường chỉ trên hồ sơ, giấy tờ, không đi thực tế.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: Chinhphu.vn

Thứ hai là xử lý sai phạm chưa nghiêm. "Thời gian vừa qua, Bộ đã xử lý 19 trường có sai phạm, phạt mỗi trường 40-60 triệu đồng và đã cho ngừng tuyển sinh một trường, nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe", ông Nhân nói.

Lý do thứ ba, theo Bộ trưởng, với gần 400 trường ĐH, CĐ trên cả nước thì Bộ không đủ khả năng giám sát, kiểm tra được hết, nên cần tham mưu cho Chính phủ phân cấp cho địa phương.

Hai lý do cuối là bản thân sinh viên, giáo viên và địa phương chưa nêu cao vai trò giám sát. "Mỗi trường có hàng nghìn sinh viên, hàng trăm giáo viên, nhưng lực lượng này lại chưa chủ động giám sát chất lượng đào tạo của trường mình", người đứng đầu ngành giáo dục nhìn nhận.

Về phàn nàn của đại biểu rằng dự luật chưa quy định cụ thể điều kiện thành lập trường, Bộ trưởng Nhân cho biết đã được quy định trong các văn bản dưới luật. Ví dụ đã có quy định diện tích phòng học của một sinh viên ĐH tối thiểu 9 m2, hay tỷ lệ cụ thể giáo viên của mỗi trường.

Trước đó, đại biểu Quốc hội đã thảo luận sôi nổi về thẩm quyền thành lập trường đại học nên là Thủ tướng hay Bộ trưởng Giáo dục. Nếu như cơ quan thẩm tra dự luật không đồng ý trao quyền cho Bộ trưởng vì lo ngại làm gia tăng tình trạng phát triển ồ ạt đại học kém chất lượng thì hầu hết đại biểu lại tán thành.

Đại biểu Phạm Mạnh Hùng phân tích giao cho ai không quan trọng, quan trọng nhất là khâu thẩm định trước khi phê duyệt và sau đó kiểm tra việc thực hiện. "Nếu giao cho Bộ trưởng sẽ dễ quy trách nhiệm hơn và cũng phù hợp với chủ trương cải cách hành chính. Bộ trưởng không thể tự ý mở trường mà phải dựa trên quy hoạch, mạng lưới giáo dục đã được Thủ tướng phê duyệt", ông Hùng phân tích.

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt cho rằng vị thế của trường là do chất lượng giảng dạy, chứ không phải người ra quyết định thành lập. "Bộ trưởng chịu trách nhiệm về giáo dục, trong đó có việc lập trường là hợp lý", ông Đạt nói. Đại biểu Phan Trung Lý bổ sung: "Giao thẩm quyền để tách bạch trách nhiệm của Bộ trưởng với tư cách tư lệnh ngành với Thủ tướng là người chỉ đạo chung".

Đại biểu thảo luận tại hội trường chiều 30/10. Ảnh: TTXVN.

Một số đại biểu cho rằng dự luật còn chung chung, chưa đề cập đến vấn đề bức xúc nhất là chất lượng giáo dục. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị luật phải sửa toàn diện hơn. "Hiện nay, chương trình giáo dục còn nặng, mang tính dạy chữ là chính. Một số trường coi trọng dạy ngoại ngữ hơn dạy tiếng mẹ đẻ", bà Thủy chỉ ra một khía cạnh bất cập.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa nhìn từ góc độ sách giáo khoa còn quá nhiều, đặc biệt là nhiều sách tham khảo và đề nghị: "Luật cần quy định ngay về chất lượng sách giáo khoa, bảo đảm sách giáo khoa có thể dùng được qua nhiều năm. Bộ trưởng cũng cần chịu trách nhiệm về việc xây dựng sách giáo khoa, có hội đồng thẩm định cấp nhà nước".

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân lên tiếng giải thích, sửa luật lần này nhằm 4 mục tiêu gồm: phổ cập giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường quản lý nhà nước và chăm lo đời sống giáo viên. Ông Nhân cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến của đại biểu để hoàn thiện dự luật.

Dự luật sẽ được thông qua ngay tại kỳ họp này.

Hồng Khánh (Theo VNE)

Bình luận (0)