Ngoại ngữ - Du họcKinh nghiệm du học

Không nên du học theo phong trào

Tạp Chí Giáo Dục

Du học là một trong các nguyện vọng chính đáng của khá nhiều người. Đi học ở nước ngoài, nhất là ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, việc tích lũy kiến thức thường căn cơ hơn, học được tác phong công nghiệp và rèn được tư duy năng động, đồng thời có thêm vốn ngoại ngữ vững vàng.

Không chỉ vậy, bằng cấp ở một số trường học có uy tín là một chứng nhận quan trọng để được tuyển vào làm ở những nơi có điều kiện làm việc tốt, khả năng thăng tiến cao và thu nhập khá. Cá biệt có người còn muốn đi du học để có cơ hội ở lại và làm việc ở nước ngoài, từ đó bảo lãnh gia đình sang sinh sống, coi như là để đổi đời.

Trên thực tế, có không ít người sau khi đi du học đã có điều kiện phát triển, trở thành tài năng, dù không về nước làm việc nhưng cũng góp phần làm rạng danh Việt Nam. Và cũng có không ít người trở về nước phục vụ, trở thành những chuyên gia giỏi trên lĩnh vực của mình, có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các địa phương hay đất nước.

Rất đông học sinh và phụ huynh tham gia Ngày hội du học Malaysia tổ chức tại TP.HCM. Ảnh: V.Chức

Để đi du học có kết quả tích cực, gia đình và bản thân người học phải hết sức lưu ý về các điều kiện sau:

Thứ nhất, có sự chuẩn bị về kiến thức. Người học ở nước ngoài điều kiện tiên quyết phải là vốn ngoại ngữ. Vốn này phải là vốn thực có, tức là thể hiện ở khả năng sử dụng ngoại ngữ để học tập, sinh hoạt, chứ không chỉ qua bằng cấp, dù bằng cấp, chứng chỉ là đòi hỏi khi thực hiện hồ sơ du học. Tức là, dù có đầy đủ chứng chỉ nhưng bản thân người học phải tự xác định năng lực ngoại ngữ của mình đến đâu, có thể đáp ứng việc nghe, hiểu, trao đổi, viết… trong quá trình học tập không. Nếu còn thiếu nhiều thì phải tích cực bổ túc, nếu có thể vừa học vừa rèn thì cũng phải có kế hoạch cụ thể và chủ động thực hiện. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm và có hiểu biết nhất định về lĩnh vực sẽ học, chứ không phải phó thác hoàn toàn cho trường lớp. Bởi nếu có kiến thức thì việc học sẽ thuận lợi hơn, tránh được tâm lý chán nản do chương trình quá mới lạ hoặc đuối sức để theo kịp.

Du học phải là một sự chuẩn bị chu đáo, tích cực, thì mới đạt kết quả tích cực. Đừng xem đi du học như là một phong trào, một tùy hứng, có khi phải nhận hậu quả đáng tiếc.

Thứ hai, có một tâm thế sẵn sàng cho việc đi du học. Người đi học ở nước ngoài nên là người có thái độ tích cực với việc đó, như có lòng yêu thích, sự đam mê, sự quyết tâm, có sự tự tin và có động lực thực sự. Người đi học mà bị ép buộc, luôn trong tâm trạng lo lắng vì nhớ nhà, vì sợ không quen ăn uống, sinh hoạt… thì cũng rất khó đạt kết quả tốt. Ngoài ra, người đi học, và gia đình, cũng phải lường trước những khó khăn, trở ngại để có phương án khắc phục, cũng như phải luôn có tâm lý vượt mọi khó khăn để học tốt – học trong thời gian sớm nhất và có kết quả cao nhất. Do đó, cần tìm hiểu kỹ trường học, như học phí, chế độ thực hành, thực tập, khả năng học nâng cao, học bổng…; đồng thời, cần có hiểu biết đáng kể về quốc gia mình sẽ đến học, như điều kiện văn hóa, khí hậu, thói quen đi lại, ăn uống, sinh hoạt…

Thứ ba, có điều kiện tài chính phù hợp. Với những trường khác nhau thì yêu cầu tài chính có khác nhau, do đó phải xem xét yêu cầu đó phù hợp với năng lực tài chính của bản thân và gia đình mình như thế nào. Dù điều kiện gia đình dư dả thì người đi du học cũng nên chi tiêu tiết kiệm và cố gắng dành một khoảng thời gian nhất định để làm thêm. Việc tiết kiệm là để tạo được một thói quen sinh hoạt tích cực, từ đó xây dựng được nền nếp học tập tích cực; việc làm thêm là để hiểu thêm đời sống ở nước sở tại, rèn thêm các kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, ứng phó với rủi ro… Đừng nên du học mà đặt mình vào vị thế của người vừa đi học vừa đi làm, đi làm để lấy tiền đi học, vì e rằng rốt cuộc việc nào cũng không đạt kết quả như ý.

Nguyễn Trúc Giang (Thủ Đức, TP.HCM)

Đừng chạy theo “mốt”

Hiện nay không ít người có nhận thức chưa đúng về việc đi du học. Một số bậc cha mẹ muốn cho con đi du học để thể hiện sự sang cả, sự “thức thời” của mình, chứ không hoàn toàn vì mục tiêu kiến thức của con em. Một số người đi du học nhưng năng lực không đáp ứng được yêu cầu, kể cả ngoại ngữ. Cũng có người thấy con em người khác đi du học thì cũng ép uổng cho con cái đi bất kể năng lực, sở thích của con em thế nào; có người thấy bạn bè ra nước ngoài học trở nên rất “mốt” thì cũng đòi cha mẹ cho đi, dù có hạn chế nhiều điều kiện, tức là du học theo phong trào… Thậm chí có người đi học ở nước ngoài nhưng khả năng tài chính eo hẹp, phải lo vất vả làm thêm, rốt cuộc không thể lấy được bằng, kiến thức cũng tích lũy lưng chừng… 

 

Bình luận (0)