Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không nên giảm thời gian đào tạo ngành sư phạm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Theo khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân vừa được Chính phủ phê duyệt, thời gian tối thiểu đào tạo ĐH giảm 1 năm so với quy định hiện hành, tức rút xuống còn 3-5 năm thay vì 4-6 năm.

TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng, riêng đào tạo ĐH ngành sư phạm không nên rút thời gian xuống thấp hơn để đảm bảo năng lực nghề nghiệp, người học ra trường có thể đứng lớp giảng dạy được.

Thí sinh trao đổi sau buổi thi môn toán kỳ thi THPT quốc gia 2016 tại Hội đồng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM

4 năm còn chưa đi dạy được

Sinh viên phải chuẩn bị tâm thế tự học cao độ

TS. Nguyễn Tiến Dũng (Trưởng phòng Quản trị chiến lược Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết dù thời gian 3 năm hay 4 năm thì với chương trình đào tạo tín chỉ, sinh viên học trên lớp 1 tín chỉ, cần phải tăng cường tự học 2 tín chỉ ở nhà. Nhưng để làm được điều này, về mặt chương trình, giảng dạy và cơ sở vật chất phải thay đổi, sinh viên cũng phải chuẩn bị tâm thế tự học nhiều hơn học trên lớp. Để học được chương trình tín chỉ thực sự, sinh viên sẽ phải cật lực và giảng viên cũng sẽ rất vất vả lựa chọn cái gì là cơ bản để dạy trên lớp, cái gì để yêu cầu sinh viên tự học ở nhà.

Theo TS. Nguyễn Tiến Dũng, hiện nay ngành sư phạm đào tạo 4 năm nhưng nhiều giáo sinh ra trường còn chưa đi dạy được, nếu rút còn 3 năm không biết vào thực tế sẽ đáp ứng như thế nào. Khối sư phạm không nên giảm quá nhiều để đảm bảo kiến thức nghề nghiệp, kỹ thuật dạy học… cho sinh viên.

“Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể về các ngành nghề, lĩnh vực đào tạo như thế nào để có thể rút ngắn được, nếu không các trường đua nhau rút ngắn thì nguy hiểm”, ông Dũng đề xuất.

Nhận định chung, ThS. Nguyễn Văn Quang (Phó Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, việc rút ngắn thời gian đào tạo ĐH xuống còn 3 năm là hợp lý. Hiện nay tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, thông qua đào tạo tín chỉ, vẫn có những sinh viên học vượt và ra trường sau 3 năm đến 3 năm rưỡi, dù tỉ lệ chưa nhiều. Ông Quang phân tích, với thời gian 3 năm, chương trình đào tạo sẽ có một số thay đổi, sẽ giảm tải một số phần, tập trung vào việc tổ chức đầu ra như thế nào, thiết kế lại chương trình đào tạo cũng như các môn học, cụ thể sẽ chú trọng giảm tải phần nào, gói gọn kiến thức chuyên ngành, tăng thêm kiến tập thực tập và kỹ năng mềm, phù hợp chuẩn đầu ra.

Cũng theo ông Quang, khi rút ngắn, việc dạy học trực tuyến cũng sẽ được chú trọng. Có thể, 30% thời lượng môn học được dạy trực tuyến, 70% còn lại dạy qua các tiết học. Trong điều kiện các trường đảm bảo được cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt hỗ trợ việc dạy học trực tuyến, giảng viên vẫn tương tác được với người học, rút ngắn được thời gian lên lớp mà chất lượng không bị ảnh hưởng.

Cần có bước đi thận trọng

Hiện nay chương trình học còn nặng về lý thuyết

Vũ Nguyễn Minh Trí (sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế Trường ĐH Sài Gòn) đánh giá: Theo em, việc rút ngắn chương trình đào tạo ĐH từ 4 năm xuống 3 năm là khá hợp lý. Bản thân em nhận thấy chương trình học hiện nay còn nặng về lý thuyết, chưa gắn liền với hiện thực thị trường lao động dẫn đến sinh viên tốn 4 năm học nhưng khi đi làm doanh nghiệp vẫn phải mất thời gian đào tạo lại. Việc rút ngắn thời gian học, sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận với việc làm sớm hơn, tuy nhiên cần chú trọng đào tạo chuyên sâu về kiến thức, tay nghề, chuyên ngành, trang bị các kỹ năng thực hành để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tính toán lộ trình thực hiện phù hợp là điều ThS. Nguyễn Văn Quang nhấn mạnh, bởi quá trình chuyển đổi từ đào tạo 4 năm sang 3 năm, thời gian đầu sẽ cùng tồn tại 2 chương trình đào tạo (cả 3 lẫn 4), có thể rất vất vả cho các trường. Khi đó, chỉ riêng việc thực hiện kế hoạch giảng dạy đã tạo áp lực lớn. Chưa kể, các môn sinh viên học trả nợ, học cải thiện điểm… với chương trình khác nhau sẽ rất vất vả. Cho đến khi khóa 4 năm ra trường hết, khóa 3 năm mới vận hành nhẹ nhàng trở lại.

TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng nhận định, tương ứng với chương trình 3 năm, các trường phải sắp xếp lại kế hoạch đào tạo, hoạt động giảng dạy sẽ có xáo trộn, tuy nhiên không đáng kể. Xáo trộn lớn nhất nằm ở khâu điều chỉnh, thiết kế lại chương trình đào tạo, sau đó đến vấn đề đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chế độ chính sách… Khi thiết kế một chương trình, tham khảo các chương trình bên ngoài cũng là thông tin đầu vào cần thiết. Bên cạnh đó, xem xét đặc điểm kinh tế xã hội Việt Nam, vấn đề sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường, đội ngũ, cơ sở vật chất thực tế của nhà trường… cần được đo lường kỹ lưỡng.

“Các trường cần thời gian chuẩn bị và có bước đi thận trọng vì thiết kế chương trình đào tạo không chỉ trong một thời gian ngắn là làm được”, ông Dũng nói.

M.Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)