Học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.HCM) đặt câu hỏi trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần thứ 11 năm 2019 do Báo Giáo dục TPHCM tổ chức. Ảnh: D.Thương
Việc học sinh (HS) lớp 12 ở Nghệ An không đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ quá nhiều, cụ thể: toàn tỉnh có trên 32.400 HS đăng ký dự thi THPT quốc gia, nhưng hơn 13.000 em đăng ký thi chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm trên 41%), có lớp chỉ có 1 HS đăng ký xét tuyển ĐH là một điều khá bất ngờ với nhiều người, trong đó có tôi – một người con của xứ Nghệ, đã dạy học 16 năm ở TP.HCM. Một số trường tốp đầu như THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Hà Huy Tập… có tỉ lệ HS đăng ký vào ĐH trên 90%; bên cạnh đó có nhiều trường số HS không đăng ký vào ĐH lên đến trên 70%. Một con số khủng. Dẫu biết nhiều năm qua, rất nhiều HS Nghệ An không đăng ký xét tuyển vào ĐH, nhưng tôi thực sự quá bất ngờ với con số này. Hơn 41% HS không vào ĐH, có lẽ con số này không dừng lại. Bởi có thể có một số HS sau khi đậu ĐH lại chọn con đường khác.
Thời chúng tôi, hầu như 100% HS đăng ký dự thi ĐH, CĐ, TC (kể cả những HS học lực trung bình). Thế hệ HS nhiều năm sau đó vẫn như thế, bởi con đường vào các trường này rất khó. Chỉ cần đậu TC cũng vinh dự lắm. Số lượng trở thành sinh viên rất khiêm tốn, có những làng chỉ có vài HS mỗi khóa. Trường ít (nhiều tỉnh chưa có trường ĐH), chất lượng tốt nên trở thành sinh viên là những người có năng lực thực sự, chí ít cũng là người rất cần cù, ý chí mới có thể “khoác trên mình” hai chữ “sinh viên”. Còn bây giờ, trường ĐH, CĐ “phủ kín” từ tỉnh lẻ đến thành phố lớn, kiểu tuyển sinh của đa phần các trường dựa vào học bạ khiến cho dư luận cảm thán rằng: “Khó như trượt… ĐH!”, “Dễ như đậu… ĐH!”. Các trường ĐH chuyển thư mời – giấy trúng tuyển đến tận nhà dù HS không đăng ký. Hài hước thay, mấy năm trước có nhiều HS chưa thi tốt nghiệp đã có giấy báo trúng tuyển ĐH, CĐ. Hễ HS đậu tốt nghiệp chắc chắn có tấm vé vào ĐH. Chỉ có HS từ chối… học ĐH.
Học ĐH, ra trường… thất nghiệp nên việc chọn con đường học nghề hay xuất khẩu lao động vẫn là con đường thiết thực nhất để tránh tình trạng cha mẹ vất vả, thậm chí phải bán tài sản để nuôi con bốn năm ĐH để rồi ra trường làm ruộng, phụ hồ, làm công nhân… Nhà hàng xóm ở làng tôi có khá đông con cái. Cách đây nhiều năm, khi ba chị em sau lần lượt đậu vào ĐH, gia đình rất hãnh diện. Lo cho con cái học, cha mẹ vất vả lắm, nhưng nghĩ tới tương lai của con cái, cha mẹ nào mà chẳng quần quật một nắng hai sương. Cách đây hơn chục năm, để trở thành sinh viên ĐH (kể cả trường công lập hay tư thục) đâu dễ dàng như những năm gần đây, nên một người con học ĐH là niềm vinh dự lớn, nói chi đến ba sinh viên ĐH! Điều đáng buồn là cả ba chị em đều “gói bằng cử nhân vào tủ” để đi làm lao động chân tay. Muốn lao động trí óc (dù trái với ngành học) cũng phải có “ô dù” và phải chi ra một khoản tiền lớn để “lót tay”. Nhìn vào “gương” trên, cách đây mấy năm, khi cô con gái đầu trở thành sinh viên, anh chị họ tôi phải quần quật làm việc gấp đôi, không chỉ nuôi con ăn học mà còn phải lo tiền “chạy” cho con có công ăn việc làm. Trước tình trạng ở quê nhan nhản cử nhân không có việc làm thì việc anh chị “chuẩn bị tinh thần” trước cũng là điều dễ hiểu. Dù quan điểm của tôi không giống anh chị, thậm chí là trái ngược nhưng tôi không bày tỏ. Nếu tôi có nói ra thì cũng chẳng ích gì, vì việc chạy chọt để con có công ăn việc làm đã trở thành “nếp” không chỉ ở quê tôi mà phổ biến ở nhiều nơi.
Tuy vẫn còn có những bậc phụ huynh, vì bệnh sĩ nên bắt buộc con phải chọn con đường học ĐH để… nở mày nở mặt, làm rạng danh gia đình, dòng họ (cũng có những HS nghĩ chưa thấu đáo nên… học đại). Nhưng trước thực tế cử nhân ra trường thất nghiệp quá nhiều, phụ huynh và HS cần có lựa chọn thực tế hơn. Chớ nên học… đại!
Thái Hoàng
Bình luận (0)