Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không nên kỳ thị trẻ nhiễm HIV/AIDS

Tạp Chí Giáo Dục

Trong hai ngày 1 và 2-7 tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Tập huấn kỹ năng truyền thông cho cha mẹ học sinh (HS) về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”thông qua tài liệu “Sự thật về trẻ em và HIV/AIDS”.
Tại hội thảo, bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT), cho biết thực trạng kỳ thị, phân biệt trẻ bị nhiễm HIV hiện đang tồn tại trong ngành giáo dục. Rất nhiều người lo lắng về nguy cơ trẻ em bị lây nhiễm HIV qua cào cấu hoặc cắn nhau (trẻ nhiễm HIV cắn trẻ không nhiễm HIV hoặc ngược lại). Đây là lí do khiến nhiều người cho rằng trẻ nhiễm HIV cần được tách riêng trong trường học, lớp học, nơi vui chơi hay nơi ở để không lây truyền HIV cho những trẻ em khác. Vì thế, các trường học phòng bệnh bằng cách tách biệt những trẻ nhiễm HIV với các em không nhiễm. Bà Thắm đưa ra dẫn chứng, năm trước có một HS tiểu học tại tỉnh Hưng Yên bị nhiễm HIV sống với ông nội (vì bố mẹ cũng đã mất vì nhiễm HIV). Em rất muốn được đến lớp học cùng các bạn song không trường nào nhận. Cũng có trường nhận nhưng rồi tìm mọi cách tách em này ra vì phụ huynh HS không chấp nhận. Việc tách riêng này vô tình tạo nên sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Điều này không công bằng đối với các em, đặc biệt là trong ngành giáo dục. Bác sĩ Nguyễn Quang Hải (Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) khẳng định: “Tiếp xúc thông thường với trẻ nhiễm HIV không bị lây nhiễm và cho đến nay cũng chưa có báo cáo nghiên cứu nào về lây nhiễm HIV do bị cào cấu hoặc cắn gây ra. Như vậy, khi các em bình thường cùng học, cùng chơi, cùng ăn, cùng sử dụng đồ dùng học tập với trẻ nhiễm HIV thì không có nguy cơ lây nhiễm HIV. Việc tách trẻ nhiễm HIV sẽ không phòng được lây nhiễm HIV cho trẻ em khác, ngược lại mọi người sẽ biết trẻ học trong trường học, lớp học điều này gây nên sự kỳ thị với trẻ nhiễm HIV”. Bà Trần Thị Thắm cho biết, một HS tiểu học tại Sơn La bị nhiễm HIV, song em này vẫn được đến trường học tập, sinh hoạt và vui chơi bình thường. Để có được việc này, nhà trường đã làm công việc truyền thông đến tất cả HS, phụ huynh về căn bệnh, khả năng lây truyền, cách phòng tránh… và không hề nguy hiểm như nhiều người từng nghĩ. 
Trước thực trạng trẻ nhiễm HIV/AIDS bị kỳ thị, cộng đồng xã hội, đặc biệt là các đơn vị giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền những kiến thức, thông tin về HIV đến phụ huynh, nhằm giúp họ biết cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV, đồng thời cũng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung, chuyên viên Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), cho biết nhà trường có trách nhiệm tổ chức giảng dạy phòng chống HIV/AIDS cho HSSV, lồng ghép với giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản và thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Tại hội thảo, bác sĩ Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh đến điều 15, Luật Phòng chống HIV/AIDS: “Cơ sở giáo dục không được từ chối tiếp nhận HSSV nếu bị nhiễm HIV; không được kỷ luật, đuổi học HSSV, học viên bị nhiễm HIV; không tách biệt, hạn chế cấm đoán HSSV bị nhiễm tham gia các hoạt động dịch vụ của cơ sở; không yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với HSSV, người đến xin học”.
Ngọc Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)