Việc sử dụng MTBT nhiều làm cho HS lười suy nghĩ. Ảnh: I.T
|
Là phương tiện hỗ trợ thực hiện các phép tính được nhanh, chính xác nên máy tính bỏ túi (MTBT) đã trở thành vật dụng quen thuộc với nhiều học sinh (HS).
Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng phương tiện này có thể khiến HS bị phụ thuộc, lười suy nghĩ, ảnh hưởng đến khả năng tư duy.
Lười… suy nghĩ
Chỉ với một bài toán khá đơn giản: 6,3 + (-3,7) + 2,4 + (-0,3), nhưng em Nguyễn Đình Q. (HS lớp 7 Trường THCS Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) lại lấy MTBT thực hiện. Sau vài thao tác bấm bấm, Q. có ngay kết quả chính xác. Em chia sẻ, nếu suy nghĩ, tính nhẩm bằng miệng sẽ khá lâu, kết quả có khi lại sai. Còn thông qua MTBT thì tính toán vừa nhanh, kết quả lại chính xác.
Q. cho biết em dùng MTBT khi học lớp 5; sau vài lần xài, em đã thành thạo cách sử dụng và cảm thấy MTBT trở nên cần thiết trong học tập, đặc biệt là môn toán.
Khi chúng tôi đưa ra một bài toán của chương trình lớp 6, cụ thể là yêu cầu Q. tính nhẩm số 132:12 bằng cách áp dụng tính chất (a+b): c = a:c + b:c, nhưng Q. đã không thực hiện được phép tính nhẩm, thay vào đó em phải nhờ đến MTBT để bấm kết quả.
Có thể thấy MTBT không còn xa lạ đối với HS hiện nay. Thông qua MTBT, các em dễ dàng thực hiện các phép tính từ đơn giản đến phức tạp một cách nhanh nhất và chính xác nhất. Chính vì thế rất nhiều HS được phụ huynh cho dùng MTBT từ rất sớm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết HS khi vào bậc THCS đều sử dụng thành thạo phương tiện này. Tuy nhiên, thay vì chỉ sử dụng trong các phép tính phức tạp như tỉ lệ thức, phương trình, hệ phương trình, lượng giác, tổ hợp… như khuyến khích của giáo viên, có không ít HS đã sử dụng MTBT cho tất cả các phép tính đơn giản. Thói quen này vô tình khiến các em có tính ỷ lại, lười suy nghĩ ảnh hưởng đến khả năng tư duy, tính toán.
Em Ngọc L. (HS lớp 8 Trường THCS Thăng Long, Q.3, TP.HCM) chia sẻ: “Em và nhiều bạn trong lớp đã dùng MTBT từ năm lớp 6, dùng một cách thường xuyên. Phương tiện này giúp em và các bạn tiết kiệm thời gian khi làm bài tập, tuy nhiên MTBT cũng khiến chúng em đôi khi lười suy nghĩ, nhiều lúc không có MTBT bên cạnh, chúng em giải toán rất chậm”.
Không nên sử dụng quá sớm
Trong tính toán, kỹ năng tính nhẩm đóng vai trò hết sức quan trọng, rèn cho HS kỹ năng tư duy, tăng khả năng nhạy bén cũng như giúp các em hiểu được ý nghĩa một phép tính toán hợp lý. Cô Trần Thúy Hằng, giáo viên dạy môn toán khối 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), cho rằng khi đã hiểu ra được ý nghĩa của một phép toán hợp lý, HS dễ dàng giải quyết vấn đề nhanh nhạy, tăng hứng thú trong học tập. Tuy nhiên, việc HS quá lạm dụng vào MTBT, lâu dần thành thói quen phụ thuộc sẽ khiến các em lười động não, khó có thể hoàn thành bài tập một cách nhanh nhạy nếu bị yêu cầu tính nhẩm.
Việc sử dụng quá sớm hoặc quá lạm dụng MTBT không chỉ khiến HS mất tính nhanh nhạy, giảm tư duy logic mà còn khiến các em thiếu tự tin, hổng kiến thức.
|
Cô Trần Thúy Hằng cho biết đã từng thấy nhiều HS lớp 8, do quá phụ thuộc MTBT nên các em không chịu động não suy nghĩ mà lấy MTBT ra dùng khi gặp các bài toán hết sức đơn giản. Do đó, để giúp HS rèn luyện được những kỹ năng tính nhẩm, tăng kỹ năng tư duy, nhạy bén trong tính toán, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa quy định HS lớp 6 không được dùng MTBT, chỉ khi lên lớp 7 các em mới được sử dụng.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ rằng nhà trường và phụ huynh chỉ nên cho HS dùng MTBT khi bước vào lớp 8. Theo cô, kiến thức những lớp dưới chưa phải là quá khó để HS phải dùng đến MTBT. Đó là những kiến thức căn bản, các em cần phải tập suy nghĩ, tập tính toán, giải quyết vấn đề. Việc sử dụng quá sớm hoặc quá lạm dụng MTBT không chỉ khiến HS mất tính nhanh nhạy, giảm tư duy logic mà còn khiến các em thiếu tự tin, hổng kiến thức. Cụ thể, có những HS sử dụng MTBT rất sớm dẫn đến hậu quả là không thuộc hết bảng cửu chương, thậm chí không biết cách đặt tính cộng, trừ, nhân, chia ra sao. Điều này hết sức nguy hiểm đối với khả năng học tập của các em.
“Tôi chưa thấy có quy định nào về việc cấm HS dùng MTBT. Tuy nhiên chúng tôi tuyệt đối không cho các em dùng. Đồng thời chúng tôi cũng thông báo đến phụ huynh để họ hiểu rõ vấn đề mà quan tâm hơn đến con em trong việc dùng MTBT, tránh không cho các em làm quen MTBT quá sớm”, cô Nguyễn Thị Lệ cho biết.
Trinh Ngọc
Cần sử dụng đúng thời điểm và đúng cách
Cô Ngô Thị Anh Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Huỳnh Kiến Hoa (Q.5, TP.HCM), cho biết trong thời buổi CNTT phát triển, HS dễ dàng được phụ huynh trang bị cho MTBT phục vụ vào việc học. Tuy nhiên, điều phụ huynh cần biết là cho các em tiếp cận phương tiện này một cách đúng độ tuổi, đúng thời điểm và đúng cách. Đối với những phép tính không quá khó, chỉ nên cho các em dùng để kiểm tra kết quả, không nên dùng thường xuyên. Khi cho các em dùng, cần định hướng mục đích sao cho vừa có ích, vừa có hiệu quả, tránh lạm dụng tạo nên thói quen.
|
Bình luận (0)