Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói, chủ trương quản lý thuốc kháng sinh và ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý thuốc kháng sinh được coi là giải pháp cần thiết để điều chỉnh kịp thời những tác hại của việc lạm dụng loại thuốc này đối với sức khỏe con người.

Chấm dứt tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, kê đơn sai là yêu cầu trước hết đối với người thầy thuốc (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Bệnh khó chữa do… thuốc kháng sinh

Theo đánh giá của các chuyên gia y tế, các cơ sở chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các chủng loại vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng và đang ở mức báo động. Nếu trước đây, các loại vi khuẩn có thể ngã gục trước sự tấn công mạnh mẽ của nhiều loại thuốc kháng sinh thì hiện nay, vi khuẩn ngày càng lờn thuốc. Nguyên nhân chính là do quá trình sử dụng thuốc không theo đúng quy trình nghiêm ngặt, nhiều loại thuốc bị lạm dụng một cách vô tội vạ. BS.CK1 Nguyễn Thị Thanh Châu – Khoa Nội thần kinh (BV Nhân dân Gia Định) cho biết, đối với bệnh tăng huyết áp phải tùy thuộc vào mức độ để cho thuốc hợp lý tùy theo giai đoạn và lứa tuổi. Đó cũng là nguyên tắc vàng với các căn bệnh khác như cảm sốt, viêm họng, nhiễm trùng. Tuy nhiên trong thực tế không ít người bệnh do thiếu hiểu biết đã dùng kháng sinh một cách tùy tiện. Hễ cảm sốt, đau nhức cơ thể là họ tìm đến kháng sinh để uống. Họ coi thuốc kháng sinh là “của để dành” vật bất ly thân luôn có sẵn trong nhà, bệnh gì cũng có thể dùng được. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì thuốc kháng sinh chẳng khác gì con dao hai lưỡi. Nếu sử dụng đúng chừng mực thì thuốc phát huy hết tác dụng hữu hiệu trong việc chống lại các loại bệnh tật và ngược lại nhiều tác dụng phụ rất khó lường nếu sử dụng bừa bãi. Theo khảo sát gần đây của ngành y tế, đối với trẻ dưới 3 tuổi có 90% nhiễm trùng hô hấp là do virus không cần sự can thiệp của thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, trên thực tế các bệnh nhi bị viêm mũi, viêm tai, viêm họng vẫn được “ưu ái” dùng các loại thuốc này với mong muốn chữa càng nhanh càng tốt. Không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, các loại thuốc này còn làm cho cơ thể “chai lì” với kháng sinh nên việc điều trị sau này sẽ gian truân gấp bội.

Nên bỏ những thói quen chết người

BS Nguyễn Thanh Hải – phòng khám BV Nhân dân 115 khuyên, trong bất cứ hoàn cảnh nào người bệnh cũng không được tự ý uống thuốc kháng sinh. Nếu dùng phải có sự hướng dẫn của thầy thuốc được BS kê đơn cho thuốc. Mọi người nên bỏ thói quen dùng thuốc kháng sinh liều mạnh nhất với mong muốn chữa càng nhanh càng tốt. Khi dùng kháng sinh phải kiên trì đúng chỉ định liều lượng chứ không phải là thấy đỡ bệnh là đã ngưng uống ngay. Dùng thuốc liều thấp hoặc cao quá đều phản tác dụng và nguy hiểm. Đừng chết vì thiếu hiểu biết về kháng sinh.

Một BS ở BV Nhi đồng cho hay, không chỉ người dùng lạm dụng kháng sinh vô tội vạ mà ngay cả BS cũng kê đơn sai, lạm dụng kháng sinh. Nếu dùng đúng thì “con dao” này có hiệu nghiệm nhưng khi dùng sai thì chuyện “đứt tay chảy máu” khó tránh khỏi. Lúc đó, không ai khác người bệnh phải gánh mọi hậu quả khó lường.

Tại TP.HCM, nhờ chương trình quản lý kháng sinh được triển khai 2 năm lại đây mà một số BV đã thực hiện phân tầng lấy mẫu bệnh phẩm, chỉ định kháng sinh theo phác đồ điều trị. Đây là cách tốt nhất để điều hành việc sử dụng kháng sinh chặt chẽ theo đúng quỹ đạo chung, thực hiện tốt quản lý danh mục thuốc kháng sinh. Bất kỳ loại thuốc nào cũng phải xuất phát từ phác đồ điều trị chứ không có chuyện “đi ngang về tắt” như trước. Quan trọng hơn sau đó các khoa phòng của BV thực hiện quy trình đánh giá lại tình trạng đề kháng kháng sinh và kết quả sử dụng thuốc kháng sinh của người bệnh để làm cơ sở cải tiến, cập nhật phác đồ điều trị. Nhờ quy trình khoa học này mà bệnh nhân luôn sử dụng đúng thuốc ngay từ đầu, được đánh giá lâm sàng với chỉ định lên thang, xuống thang việc sử dụng thuốc hợp lý. Với người bệnh thời gian nằm viện sẽ giảm thiểu, kéo theo việc giảm chi phí điều trị và quan trọng hơn là giảm tỷ lệ tử vong do bệnh nhiễm khuẩn.

Đây còn là cơ hội để BV tăng cường tập huấn kiểm tra và sử dụng kháng sinh, vi sinh lâm sàng, dược lâm sàng bên cạnh việc đào tạo liên tục BS, dược sĩ, điều dưỡng thâm niên dưới 5 năm hiểu rõ nguyên tắc sử dụng phác đồ điều trị, dược lâm sàng, quy trình thao tác chuẩn trong lấy mẫu, vận chuyển mẫu, kiểm soát nhiễm khuẩn.

Song song với việc quản lý thuốc kháng sinh, việc ứng dụng CNTT trong chương trình quản lý sử dụng kháng sinh của BV đã mở ra một chân trời mới nhằm vi tính hóa quá trình thực hiện, tăng nhắc giảm nhớ phác đồ, cung cấp nội dung phân tầng, lựa chọn kháng sinh phù hợp, đồng thời có thêm công cụ giám sát, báo cáo thống kê chương trình sử dụng thuốc kháng sinh cho BS và điều dưỡng. “Đây chính là cơ sở để BV xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng kháng sinh dựa trên dữ liệu vi sinh đã có sẵn” – BS Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc BV Nhân dân Gia Định khẳng định.

Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)