Đến nay là năm thứ 45 diễn ra cuộc thi viết thư UPU do Liên minh Bưu chính thế giới tổ chức (từ 1971), học sinh Việt Nam (từ lớp 5 đến lớp 10) tham gia dự thi lần thứ 29 (bắt đầu từ 1987).
Ở trường, việc tổ chức, hướng dẫn, chấm chọn là do tổ ngữ văn chịu trách nhiệm. Cuộc thi này chỉ học sinh có năng khiếu viết văn nhiệt tình đầu tư, còn lại hầu hết không muốn viết, vì lẽ theo các em, viết thì chẳng có ích bởi dễ gì được giải trong khi các em đâu học giỏi môn văn. Chính vì vậy, nhiều năm qua, để giữ chỉ tiêu học sinh lớp tham dự, chỉ tiêu thi đua cho trường và để có bài thi chất lượng tham gia gửi về tuyến trên, không ít tổ chuyên môn trường chỉ đạo cho giáo viên lấy bài viết thư UPU chấm điểm thay cho bài kiểm tra 15 phút của bộ môn. Và khi là bài viết có điểm, lại được viết ở nhà nên các em đều tham gia đầy đủ và bài viết có chất lượng, vì nếu không viết các em sẽ bị điểm 0 hoặc điểm 1. Và như thế là có sự viết hộ của phụ huynh nên xảy ra không chính xác về điểm số. Đó là điểm chấm bài không đúng với thực lực vốn có của học sinh. Vì học sinh nào có phụ huynh có năng khiếu viết văn như nhà báo, nhà văn hoặc giáo viên dạy văn viết hộ thì chắc chắn bài của các em sẽ đạt điểm cao, và điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng điểm không đánh giá đúng môn học. Và khi đã có cột điểm kiểm tra 15 phút rồi thì giáo viên cũng không cần kiểm tra 15 phút về kiến thức chương trình học theo qui định của ngành và như thế là sai qui chế chuyên môn. Đặc biệt hơn là ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả học tập của các em vì học mà không có kiểm tra thì khó xác định đúng kết quả thực của từng em. Và một thực tế cần suy ngẫm là những năm qua đã có nhiều em đạt giải thành phố, rồi quốc gia, có khi giải thế giới song đến nay không biết các em đó làm gì, có trở thành những cây bút có tầm không hay là vì phụ huynh làm hộ đạt giải rồi xong thì thôi?
Năm nào cũng tổ chức thi UPU và năm nào cũng xảy ra tình trạng lấy bài dự thi UPU chấm lấy điểm cho bài kiểm tra môn văn là điều không đúng với tinh thần của cuộc thi và cũng không đúng với qui chế cho điểm học sinh trong quá trình học bộ môn. Chính vì lẽ đó, ngành GD-ĐT cần sớm có biện pháp chấn chỉnh trình trạng lấy “râu ông nọ cắm cằm bà kia” này, để làm cho chất lượng bộ môn ngữ văn được chính xác hơn, tránh trình trạng điểm ảo, nhằm góp phần vào việc đánh giá đúng thực chất, công bằng kết quả học tập của học sinh trong môn này cũng như kết quả xếp loại văn hóa của từng học sinh trong năm học.
Nguyễn Văn Tú (Đà Nẵng)
Bình luận (0)