Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Không nên mở trường ồ ạt

Tạp Chí Giáo Dục

Trong khi nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) đang lo không tuyển đủ sinh viên, ngành giáo dục vẫn khẳng định tốc độ mở trường ĐH, CĐ còn tăng mạnh. Mục tiêu đề ra trong 10 năm tới tiếp tục mở ra khoảng 160 trường ĐH, CĐ.

ĐH Quốc tế Bắc Hà, một trường mới được thành lập đang nỗ lực khẳng định chất lượng. Ảnh: PV.

Theo Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga, các trường chưa tuyển đủ sinh viên một phần là do chưa khẳng định được uy tín. Tuy nhiên, ông Đỗ Xuân Tùng, Phó Hiệu trưởng ĐHDL Thăng Long cho rằng, một trường ĐH dân lập để xây dựng được uy tín phải mất từ 10 đến 15 năm. Ở nhiều trường, giảng viên phải dạy vài chục tiết học trong tuần, không còn thời gian dành cho nghiên cứu.

Về điều kiện mở trường, theo ông Đỗ Xuân Tùng, phải sớm ban hành Điều lệ hoạt động của các trường để có hành lang pháp lý hoạt động, quản lý. “Hiện nay các trường cứ mở ra rồi tự mày mò. Mở ra ai nuôi trường, ai là người chi phối giáo dục, ai quyết định đường lối giáo dục. Đó là những cổ đông góp phần xây dựng trường, giảng viên hay Bộ GD&ĐT?”, ông Tùng đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó GĐ ĐHQG TP HCM cho rằng, ngành Giáo dục phải giải quyết được mâu thuẫn giữa chất lượng và số lượng trường. Về số lượng, phải đáp ứng nhu cầu phát triển của thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa, đảm bảo 450 sinh viên/1 vạn dân như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan…
Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng sinh viên thực sự có trình độ ĐH phải thông qua đánh giá, kiểm định chất lượng đào tạo bài bản. Tuy nhiên, công tác này đang chững lại vì Bộ không đủ sức bao trùm hoạt động của toàn bộ trường ĐH, CĐ.
“Các trường ĐH hiện nay phải hoạt động giống doanh nghiệp về mặt quản trị, tức là đưa ra chuẩn đầu vào, đầu ra cụ thể, những thuộc tính sản phẩm…”. Ông Nghĩa phân tích thêm: Điểm sàn có thể coi là chuẩn đầu vào. Hiệu quả đào tạo thể hiện ở chuẩn đầu ra: Chuẩn kiến thức các môn học, đảm bảo sinh viên sau ngay khi ra trường có thể đáp ứng tốt yêu cầu của công việc.
Ông Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL), nguyên Bộ trưởng GD&ĐT khẳng định: Không tuyển được không phải do thiếu nguồn tuyển bởi có hơn 90% học sinh tốt nghiệp THPT. “Các trường quốc tế ở VN và ở nước ngoài, thí sinh không phải thi tuyển sinh ĐH, vậy tại sao các trường VN lại phải bắt thi?”.
Ủng hộ việc mở thêm nhiều trường nhưng ông Quân cho rằng không nên mở ồ ạt mà phải đưa ra điều kiện, tiêu chuẩn mở trường chặt chẽ hơn. Điều kiện, tiêu chuẩn mở trường đặt ra rất ghê, nhưng thực tế mở ra rồi không phải trường nào cũng đủ tiêu chuẩn.
“Trong 5- 6 năm qua mà mở hơn 235 trường ĐH, chủ yếu là trường địa phương. Tuy nhiên, nhiều trường thiếu giảng viên nên hoạt động rất khó khăn. Đội ngũ giáo viên của ta chỉ có chừng đó, có chạy sô thì cũng chừng ấy con người”.
Theo ông Quân, khi mở trường phải tính toán kỹ nguồn giáo viên, nếu không chất lượng sẽ khó đảm bảo. Không nên mở trường ồ ạt mà phải tính điều kiện chung của đất nước có đáp ứng được hay không.
Theo Quy hoạch Mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, ngành GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2020 có 450 sinh viên /1 vạn dân (gấp đôi con số hiện nay). Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Ga, để đạt mục tiêu đó, đến năm 2020 phải có 580 trường ĐH, CĐ (trong đó có 264 trường ĐH và 316 trường CĐ).
Trong kế hoạch ngắn hạn, đến năm 2015, ngành GD&ĐT đặt mục tiêu đạt 512 trường ĐH, CĐ. Số trường ĐH, CĐ hiện nay là 414 trường (188 ĐH và 226 CĐ).

 

Hồ Thu / TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)