Một tiết học môn toán của học sinh THPT tại TP.HCM. Ảnh: D.Bình |
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều ưu điểm như mục tiêu các cấp học rõ ràng hơn, đi sâu vào định hướng với 6 phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi… có tính khả thi cao. Tất nhiên, để thành công còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất cũng như sự thích ứng của đội ngũ giáo viên. Một điểm cần nữa chính là sự đổi mới trong tư tưởng của đội ngũ giáo viên. Các thầy cô phải hình dung trong hai năm tới, việc giảng dạy của mình sẽ phải được điều chỉnh, đổi mới như thế nào, các kỹ năng gì cần đạt được để có khả năng thích ứng tốt. Chẳng hạn như với kỹ năng tích hợp, giáo viên nào cũng cần phải có chứ không chỉ dừng lại ở một vài thầy cô nghiên cứu sâu để thao giảng, dự thi; hay như kỹ năng sử dụng CNTT cũng cần thành thạo mới chuyển tải được nội dung bài dạy, tương tác với học sinh.
Với chương trình giáo dục hiện nay, sự phân luồng chưa thực sự rõ. Từ thực tế của quá trình tư vấn hướng nghiệp, hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ – một điều dễ nhận thấy là không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng không xác định được sở thích, nguyện vọng cũng như năng lực của chính bản thân con em mình để chọn ngành. Do đó, muốn định hướng nghề nghiệp được tốt, ở cấp THCS, đầu lớp 10 cần cho học sinh và cả phụ huynh làm quen hoặc ít nhất nhận biết về một số nghề cơ bản trong xã hội, hình thành được hứng thú nghề nghiệp trong học sinh, xác định được sở thích cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của bản thân. Về cụm từ cấp THPT “tạo nguồn nhân lực”, chúng tôi cho rằng ý nghĩa cụm từ đó hơi bị “ôm đồm”. Vì nguồn nhân lực thường tập trung ở cấp cao hơn, sau phổ thông. Nên chăng thay cụm từ đó bằng cụm từ “đặt nền móng cho nguồn nhân lực”. Về xét tốt nghiệp, nhà trường rất phấn khởi khi việc này được giao cho các trường THPT. Ở đâu đó, dư luận cho rằng, nếu trao quyền cho các trường THPT xét tốt nghiệp thì sẽ có hiện tượng “cấy điểm” hoặc khả năng đánh giá của các trường không được khách quan. Với việc giao cho các trường THPT xét tốt nghiệp sẽ phải có tiêu chí rõ ràng cùng với cơ chế giám sát chặt chẽ, có như vậy việc giao các trường xét tốt nghiệp mới khả thi và khách quan.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn băn khoăn về thời gian triển khai. Đó là việc chỉ trong khoảng thời gian chưa đến 2 năm, trong khi cơ sở vật chất, đội ngũ, trang thiết bị dạy học để hoàn thiện đáp ứng được là cả một vấn đề. Đơn cử như Trường THPT Tôn Thất Tùng, phòng học và phòng chức năng mới chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu. Trong khi để đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất là câu chuyện không thể giải quyết một sớm một chiều và cần kinh phí không hề nhỏ. Đó là chưa kể, đội ngũ giáo viên tuy đã đạt chuẩn và phương pháp dạy học đã trải nghiệm cơ bản nhưng muốn thay đổi phương pháp theo dự thảo đòi hỏi phải đào tạo lại. Điều này phải tính đến thời gian để các trường ĐH chuyển đổi phương pháp đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu.
Về chương trình kiến thức, khi biên soạn sách giáo khoa mới, ban biên soạn không nên đặt nặng kiến thức sẽ dẫn đến nặng cho cả người dạy lẫn người học. Thực tế, giáo viên hiện nay hầu như không dám lược bỏ phần nào trong giảng dạy dù đã xác định được kiến thức trọng tâm vì tâm lý nếu như chỉ lướt qua hoặc cho học sinh tự học, sẽ rất thiệt thòi cho các em nếu đề thi có câu hỏi rơi đúng phần đó. Muốn học sinh phát triển kỹ năng được tốt thì phải xây dựng chương trình dung lượng kiến thức ít lại, lúc đó giáo viên mới có thời gian đầu tư chuyên sâu hơn để các em hình thành và phát triển kỹ năng.
Trần Thị Kim Vân
(Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Thất Tùng, Đà Nẵng)
Bình luận (0)