Thí sinh không nên “tạm trú” vào một trường ĐH với ngành nghề không yêu thích mà có thể chọn học hệ thấp hơn. Ảnh chụp thí sinh thi vào Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM năm 2013
|
Không đậu nguyện vọng (NV) 1 vào ngành mình yêu thích, nhiều thí sinh có ý định chuyển hướng sang “tạm trú” ở một trường ĐH khác với ngành nghề hoàn toàn xa lạ. Còn giấc mơ học đúng ngành nghề yêu thích sẽ được thực hiện lại vào… năm sau.
Theo đại diện các trường, việc “tạm trú” như vậy sẽ gây lãng phí thời gian, tiền bạc của người học. Thí sinh có thể theo đuổi ngành nghề yêu thích ở bậc học thấp hơn, sau khi ra trường và đi làm, nếu có điều kiện vẫn có thể liên thông lên ĐH.
Lãng phí!
Trượt NV1 vào ngành sư phạm lý của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm nay, thí sinh N.T.T.H (Nghệ An) hiện đang tham gia xét tuyển NV bổ sung vào ngành này tại Trường ĐH Sài Gòn. Trước đó, H. đã từng học một năm đầu tiên ngành tài chính – ngân hàng của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. H. cho biết việc học ngành tài chính – ngân hàng chỉ là “tạm trú”, không xuất phát đúng NV. Chính vì vậy, sau một năm, em vẫn không yêu thích ngành nghề, lúc nào cũng thôi thúc ý nghĩ phải thi ĐH lại.
Tương tự như H., nhiều sinh viên khác vì áp lực đậu ĐH cũng đã chọn đại một ngành học cho yên tâm, sau đó vừa học vừa ôn để tìm cách thay đổi. Tuy nhiên, bên cạnh học phí, người học còn tiêu tốn rất nhiều thời gian, tiền bạc cho các khoản chi phí ăn ở, đi lại khác.
Ở thời điểm nước rút xét tuyển bổ sung năm nay, nhiều thí sinh đã bày tỏ NV học tạm tại một trường ĐH, đồng thời sẽ “làm lại từ đầu” bằng ngành khác trong năm tới. Hướng đi này của các em không nhận được nhiều sự đồng tình.
Tại chương trình tư vấn xét tuyển NV bổ sung năm nay “Cùng bạn quyết định tương lai: Hiểu đúng mình – chọn đúng nghề – làm đúng đam mê” do Báo Giáo Dục TP.HCM tổ chức, TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyến cáo: Thí sinh hoàn toàn có quyền quyết định học ĐH, ôn thi lại hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì việc “tạm trú” tại một trường ĐH nào đó là không nên bởi rất lãng phí thời gian và tiền bạc. Nếu không đủ khả năng học ĐH, thí sinh có thể chọn con đường ngắn nhất để theo đuổi ngành nghề mình yêu thích.
Bậc học thấp vẫn thành công cao
Bắt đầu từ một cấp học thấp để theo đuổi đam mê cũng là hướng đi mà ông Trần Anh Tuấn (Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) đặt ra đối với thí sinh. Theo ông Tuấn, các em cứ học CĐ hoặc TCCN nếu không may mắn đậu ĐH. Sau khi đi làm, có điều kiện thuận lợi, các em có thể liên thông lên bậc học cao hơn.
Hiện nay, quy chế liên thông mới phần nào làm giảm bớt sự háo hức ở người học đối với bậc CĐ và TCCN. Thậm chí, còn làm “nặng” thêm tâm lý phải chen vào ĐH bằng mọi giá. Nhưng bao giờ cũng vậy, sự lựa chọn của ngày hôm nay có thể liên quan đến cả đời sống, công việc sau này. Cho nên, lựa chọn nào cũng cần phải có tính bền vững, chắc chắn.
Việc “tạm trú” ĐH chỉ giúp người học giải tỏa được sức nặng tâm lý tức thời. Lựa chọn bền vững, chắc chắn mới khiến thí sinh nỗ lực theo đuổi đến cùng. Và hẳn nhiên, một lựa chọn vững chắc không thể thiếu yếu tố đam mê.
Thực tế, không phải thí sinh nào khi “tạm trú” tại một trường ĐH là có thể đậu ngay vào trường khác trong năm tới. Có không ít trường hợp sinh viên thi lại ĐH không đậu đã phải ngậm ngùi học tiếp ngành nghề mình không mặn mà. Thậm chí có em hối tiếc với lựa chọn sai lầm đó. Thí sinh N.T.T.H bộc bạch, khi đã học một trường ĐH nào đó, dù là học “tạm” hay học chính, lượng bài vở cũng rất nhiều. Việc bố trí thời gian để đảm bảo học tốt chương trình ĐH vừa ôn luyện kiến thức để thi lại cực kỳ vất vả.
Cuộc đua giành vé vào ĐH ở NV bổ sung đang diễn ra quyết liệt. Thay vì “tạm trú” vào một ngành học không yêu thích, thí sinh hoặc tiếp tục nỗ lực bước vào cánh cửa ĐH bằng nhóm ngành nghề gần với ngành đã đăng ký NV1 hoặc chấp nhận chọn bậc học thấp hơn (CĐ, TCCN…). Bậc CĐ hay TCCN cũng đều có thể mở ra cho thí sinh những cơ hội thiết thực cũng như đem đến thành công lớn khi người học quyết tâm theo đuổi ngành nghề mà họ thực sự tâm huyết, đam mê.
Bài, ảnh: M.Tâm
TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) khuyến cáo: Thí sinh hoàn toàn có quyền quyết định học ĐH, ôn thi lại hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động. Tuy nhiên, dù với lý do gì thì việc “tạm trú” tại một trường ĐH nào đó là không nên bởi rất lãng phí thời gian và tiền bạc. |
Bình luận (0)